Kinh tế Mỹ đối mặt nguy cơ suy thoái

10:55 | 28/06/2022 Print
(TBTCO) - Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát liên tục “phi mã”, từ đầu năm tới nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã buộc phải nhiều lần nâng lãi suất cơ bản của ngân hàng và dự kiến có thể lên tới mức trên 3% vào cuối năm nay. Điều này có thể đẩy nền kinh tế Mỹ đứng trước nguy cơ suy thoái.
Kinh tế Mỹ đối mặt nguy cơ suy thoái
Lạm phát tăng mạnh ảnh hưởng lớn tới tâm lý người tiêu dùng Mỹ.

Mới đây, trang CNN dẫn kết quả khảo sát của Đại học Michigan cho thấy, tâm lý của người tiêu dùng Mỹ với nền kinh tế nước này trong tháng 6/2022 xuống thấp một cách kỷ lục, giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái bởi nỗi lo lạm phát ngày càng gia tăng. Bất chấp những điểm sáng như báo cáo việc làm tháng 5/2022 tương đối mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,6%, “cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt”, các đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán và các dự đoán liên tục về suy thoái đang tàn phá niềm tin của người Mỹ vào nền kinh tế.

Theo Tiến sĩ kinh tế học Joanna Hsu, Giám đốc phụ trách cuộc khảo sát nói trên, lạm phát là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Mỹ trong thời điểm hiện nay. Có tới 47% người tiêu dùng đổ lỗi cho việc giá cả tăng mạnh làm suy giảm mức sống của họ. Khi giá cả tăng cao, người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc điều chỉnh kế hoạch chi tiêu của bản thân. Hiểu theo cách khác, khi rơi vào trạng thái hoang mang và dễ bị tổn thương, người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu, góp phần dẫn đến suy thoái kinh tế và gây thêm nhiều nỗi lo sợ hơn.

Nhận định của Tiến sĩ Joanna Hsu khá tương đồng với cảnh báo của Ngân hàng Goldman Sachs sau khi FED tăng lãi suất thêm 0,75% cách đây 2 tuần. Dù Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái “trong gang tấc”, song Goldman Sachs cho rằng, khả năng xảy ra suy thoái đối với nền kinh tế của xứ Cờ hoa vào tháng 12 tới đã tăng từ 15% lên 30% và nguy cơ suy thoái trong năm 2023 là 50%.

Cụ thể, FED càng nâng lãi suất, khả năng kinh tế tăng trưởng âm càng lớn. Lãi suất tham chiếu tăng sẽ kéo hàng loạt lãi suất lên cao, như lãi vay mua nhà, xe hơi, lãi thẻ tín dụng và vay kinh doanh; người tiêu dùng cũng sẽ tăng cường gửi tiền vào ngân hàng hơn việc đầu tư sang các lĩnh vực khác. Đây là những yếu tố làm giảm tốc nền kinh tế. Trong khi đó, nâng lãi suất lại là biện pháp được cho là hữu hiệu nhất để đưa lạm phát ở Mỹ trở lại mục tiêu 2%. Theo dự kiến, trong thời gian tới, mức lãi suất sẽ tiếp tục được nâng lên phạm vi từ 2,25% đến 2,5% vào tháng 9 và dao động trong khoảng 3,25-3,5% vào tháng 12 (mức cao nhất kể từ năm 2008).

Lần cuối cùng tình trạng lạm phát kèm suy thoái xảy ra ở Mỹ là vào những năm 1970, một thời kỳ cũng chứng kiến giá năng lượng tăng chóng mặt. Do lệnh cấm vận dẫn đầu bởi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) áp đặt lên các quốc gia ủng hộ Israel, giá dầu thô đã tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 1973 đến năm 1975. Các quốc gia nhập khẩu nhiều dầu như Mỹ đã trải qua thời kỳ lạm phát cao và suy thoái kinh tế diễn ra đồng thời. Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ trong giai đoạn đó lần đầu tiên vượt quá ngưỡng 10% kể từ những năm 1940, còn tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 4,6% hồi năm 1973 lên 9% vào năm 1975.

Tương tự như những gì đã xảy ra trong thời kỳ 1973-1975, hiện tại, giới hoạch định chính sách Mỹ cũng đang phải đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nâng lãi suất đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ suy thoái; ngược lại, tốc độ lạm phát sẽ không thể kiểm soát. Theo nhận định của các nhà bình luận, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine hoặc tìm cách tăng nguồn cung dầu. Tuy nhiên, đây đều là những biện pháp rất khó thực hiện và thành công ngay trong thời điểm này./.

Hanoimoi.com.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam