Ngành Nông nghiệp: Thay đổi tư duy để tăng giá trị và giảm chi phí sản xuất

21:51 | 28/06/2022 Print
(TBTCO) - Ngành Nông nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận, tháo gỡ thể chế và lấy đầu tư công thu hút đầu tư tư để có thể xoay chuyển nền nông nghiệp theo hướng tích cực. Theo đó, ngành phải đề ra các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí đầu vào, tích hợp nền nông nghiệp đa giá trị giúp nông dân làm quen với nền kinh tế tuần hoàn.
Ngành Nông nghiệp: Thay đổi tư duy để tăng giá trị và giảm chi phí sản xuất
Quang cảnh Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 chiều 28/6. Ảnh: Phúc Nguyên

Chiều ngày 28/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD

Báo cáo từ Bộ NN&PTNT cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%. Trong số này, nhóm nông sản chính đạt 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 3%; thủy sản đạt 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%; nhóm đầu vào sản xuất đạt 1,42 tỷ USD, tăng 64,8%; riêng nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt 176 triệu USD, giảm 15,9%.

Đến thời điểm này, ngành nông nghiệp đã có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 1 tỷ USD là cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất. Đặc biệt cao su, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Điển hình như cà phê tăng gần 22% khối lượng và gần 50% giá trị; cao su cũng có mức tăng tương ứng là trên 9% và trên 12%; sắn và sản phẩm từ sắn tăng trên 13% và 28%. Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm mạnh ở mức 19%, đạt 125 nghìn tấn, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng gần 41% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng 14%.

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ là thị trường số 1 với giá trị 6 tháng đầu năm đạt 7,61 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ 2021 và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam với giá trị 4,97 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng 5,9% so với cùng kỳ 2021 và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu.

Tuy đạt kết quả tăng trưởng cao nhưng Bộ NN&PTNT cho biết, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài; giá thức ăn chăn nuôi, phân bón... tăng cao; khai thác thủy sản phải đối mặt với giá xăng dầu tăng, dẫn đến chi phí sản xuất cao. Trong khi giá sản phẩm nông sản có tăng nhưng thấp hơn đã ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế, đời sống của người sản xuất.

Lấy đầu tư công thu hút đầu tư tư trong lĩnh vực nông nghiệp

Trước những dự báo về nguồn cung nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu thủy sản 6 tháng cuối năm sẽ giảm, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cũng cho rằng, sản xuất thủy sản sẽ không dễ dàng như đầu năm do vào mùa mưa bão và giá vật tư vẫn tăng cao. Bộ đã chủ động đề xuất các bộ, ngành, Chính phủ có phương án hỗ trợ ngư dân trước tình hình giá xăng, dầu tăng cao.

Để chủ động phần nào nhu cầu nguyên liệu cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, thức ăn chăn nuôi. Trên cơ sở đó xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, nghiên cứu hướng dẫn áp dụng các loại nguyên liệu thay thế, phụ phẩm trong nông nghiệp dùng làm thức ăn chăn nuôi nhằm đa dạng nguồn nguyên liệu và hạn chế phụ thuộc thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần thay đổi cách tiếp cận, tháo gỡ thể chế và lấy đầu tư công thu hút đầu tư tư để có thể xoay chuyển nền nông nghiệp theo hướng tích cực. Theo đó, ngành nông nghiệp phải đề ra các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí đầu vào, tích hợp nền nông nghiệp đa giá trị giúp nông dân làm quen với nền kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Lê Minh Hoan, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp không phải là khẩu hiệu mà cần phải thay đổi tư duy phát triển; chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị không phải là câu chuyện nhất thời. Việc tăng giá trị, giảm chi phí không phải là vấn đề đối phó với tình hình giá vật tư đầu vào tăng cao mà là chuyển động sang nền kinh tế nông nghiệp tiết giảm chi phí đầu vào trong bất kỳ bối cảnh nào.

"Mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ càng khó khăn hơn nữa. Nhân dịp này cũng là cơ hội để phát triển kinh tế tập thể để mua chung vật tư nông nghiệp. Đây cũng là một trong những giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất. Hay nhiều mô hình sản xuất của bà con đã tuần hoàn được vật tư đầu vào để giảm chi phí, các cơ quan chức năng, địa phương cần lan tỏa hơn nữa những mô hình đó" - ông Lê Minh Hoan nói.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra một số giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp trong thời gian tới: Phối hợp với Bộ Công thương, các địa phương đánh giá cân bằng cung - cầu nông sản, điều tiết xuất nhập khẩu vật tư đầu vào; tăng cường kiểm tra công khai giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi. Kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản, qua đó điều tiết cung cầu từng nhóm hàng và từng khu vực trong các tình huống. Phối hợp kiểm tra, kiểm soát giá, tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung, ổn định giá cả để doanh nghiệp và người dân yên tâm tái đàn, phục hồi sản xuất. Đồng thời, khắc phục tình trạng thiếu giống, vật tư nông nghiệp; tăng cường sử dụng thức ăn tinh, giảm thức ăn thô và tận dụng tối đa phụ phẩm trong sản xuất, chế biến nông sản.

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam