Phát huy thế mạnh đường sắt trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn Lạng Sơn

09:41 | 29/06/2022 Print
(TBTCO) - Khi đường bộ gặp nhiều gián đoạn do tác động bởi dịch bệnh thì hoạt động giao thương hàng hóa với phía Trung Quốc thông qua đường sắt trở thành một giải pháp hiệu quả. Phát huy lợi thế này, 6 tháng đầu năm, Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn) đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục cho trên 2.224 bộ tờ khai hàng hóa với trị giá trên 166 triệu USD.
Công chức Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng kiểm tra tàu hàng. Ảnh: Hồng Vân.
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn) kiểm tra tàu hàng. Ảnh: Hồng Vân.

"Cứu cánh" khi đường bộ không ổn định

Trong những tháng đầu năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cơ bản được duy trì tại 4 cửa khẩu là Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma và cửa khẩu ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng.

Trong bối cảnh phía Trung Quốc vẫn kiên quyết với chính sách "Zero Covid", việc thông quan qua các cửa khẩu đường bộ không ổn định, có thời điểm liên tục bị gián đoạn.

Điều này dẫn tới nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua tuyến đường sắt Đồng Đăng (Việt Nam) - Bằng Tường (Trung Quốc). Qua đó hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng lại phát huy được thế mạnh.

Theo bà Cao Hoài Phương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, Cục Hải quan Lạng Sơn, đơn vị đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp vận tải đường sắt, đặc biệt là Chi nhánh Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, ga Đồng Đăng và đơn vị vận chuyển hoá vận của Ga đường sắt Quốc tế trong công tác bố trí toa xe, nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hoá làm thủ tục xuất nhập khẩu qua địa bàn.

Với quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đường bộ, khi hàng làm xong thủ tục phải thực hiện giao thức đổi phương tiện, “cắt” đầu container. Theo đó, ngoài việc tổ chức nhân lực vận chuyển hàng hóa qua lại thì doanh nghiệp phải hoàn thành những thủ tục phòng chống dịch qua nhiều khâu chặt chẽ…

Bà Nguyễn Lan Anh, đại diện Công ty TNHH MTV Trường Thạch cho biết, thường 1 lô hàng khi doanh nghiệp đưa hồ sơ vào sẽ được Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng phân công công chức tiếp nhận và xử lý thủ tục thông quan rất nhanh, trong khoảng 30 phút đã có kết quả. Với thủ tục nhanh gọn, hàng hóa không phải nằm chờ tại bãi lâu ngày đã giúp cho hàng hóa của doanh nghiệp được thông quan nhanh, giảm chi phí rất nhiều.

Trong khi đó, xuất nhập khẩu hàng hóa qua tuyến đường sắt, hàng hóa chạy thẳng giữa đôi bên, cơ quan hải quan thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định khi qua ga, giảm rất nhiều chi phí cũng như thời gian cho doanh nghiệp.

Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục cho trên 2.224 bộ tờ khai hàng hóa với trị giá trên 166 triệu USD.

Với sự tích cực đó, tính đến hết ngày 14/6, đơn vị đã thu nộp ngân sách nhà nước đạt 260,5 tỷ đồng, đạt 126,8% chỉ tiêu được giao, tăng 66,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện các doanh nghiệp đang làm thủ tục xuất nhập khẩu các mặt hàng qua ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng chủ yếu là quặng sắt, thép các loại, đồ gỗ mỹ nghệ, hàng gia dụng.

Tích cực lắng nghe doanh nghiệp

Bà Cao Hoài Phương cho hay, để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu qua ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, đảm bảo yêu cầu công tác phòng chống dịch, với cơ sở hiện tại còn nhiều hạn chế, đơn vị cũng đã kiến nghị với UBND tỉnh Lạng Sơn có ý kiến với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tiếp tục đẩy nhanh đề án nâng cấp cơ sở hạ tầng của ga, mở rộng bãi hoá trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo để cho công tác quản lý nhà nước về hải quan thời gian tới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Chi cục Hải quan ga đường sắt Đồng Đăng sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm điện tử quản lý nghiệp vụ; tích cực lắng nghe những khó khăn phát sinh khi tiếp nhận thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Mặt khác, chủ động tuyên truyền đến doanh nghiệp khi có những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu qua đường sắt, để doanh nghiệp chủ động nắm bắt kịp thời, hạn chế rủi ro trong quá trình giao thương.

Vào thời điểm này khi các mặt hàng nông sản của Việt Nam đang vào chính vụ thu hoạch, việc xuất khẩu hàng hóa qua tuyến đường sắt liên vận được coi là một phương án hữu hiệu để nâng cao năng lực thông quan tại tỉnh Lạng Sơn.

Hiện tại, việc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc qua đường sắt hết sức thuận lợi, các doanh nghiệp có thể sử dụng xe container chở hàng đến tận ga (nơi đã phân luồng xếp dỡ sẵn), sau đó bốc xếp lên tàu và xuất thẳng sang Trung Quốc.

Đoàn tàu sẽ do nhân viên đường sắt Trung Quốc sang kéo về, tất cả nhân viên tổ tàu chỉ có khoảng 7 người và nhân viên 2 bên đều không tiếp xúc trực tiếp với nhau, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Để phối hợp tạo thuận lợi tối đa cùng lực lượng hải quan, ông Phạm Đức Khái, Trưởng ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng cho biết, đơn vị cũng bố trí cán bộ trực 24/24, phục vụ xếp dỡ, dồn toa tàu, phối hợp với các lực lượng phun khử khuẩn… để tàu sang Trung Quốc một cách thuận lợi và nhanh nhất.

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam