Ngành Hải quan chủ động đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy

10:31 | 29/06/2022 Print
(TBTCO) - Tổng cục Hải quan vừa xây dựng Kế hoạch phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, lực lượng hải quan khoanh vùng cụ thể địa bàn, xác định rõ ràng đối tượng, thủ đoạn và tăng cường thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan nhằm đảm bảo hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, từ sớm hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất qua biên giới.

Nhận diện các thủ đoạn tinh vi

Tổng cục Hải quan vừa xây dựng Kế hoạch phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021 - 2025, nhằm tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy thông qua thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Đảm bảo hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, từ sớm hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới; kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy, tiền chất.

Theo kế hoạch này, 100% lực lượng hải quan chuyên trách kiểm soát, phòng chống ma túy (PCMT) được đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn về kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ về công tác PCMT trong lĩnh vực hải quan.

Đáng chú ý, kế hoạch đã xác định được một số phương thức, thủ đoạn điển hình của tội phạm ma túy, cụ thể: Ma túy được mang theo người, giấu trong quần áo, “chỗ kín” và trong hành lý xách tay của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh với số lượng từ nhỏ lẻ đến vừa phải.

Hải quan Hà Tĩnh phối hợp bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển trái phép 24.000 viên hồng phiến, ngày 7/62022. Ảnh: Phương Thảo
Hải quan Hà Tĩnh phối hợp bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển trái phép 24.000 viên hồng phiến, ngày 7/62022. Ảnh: Phương Thảo

Các đối tượng còn cất giấu ma túy trong các phương tiện cá nhân, trong phương tiện chở khách được gia cố, nhập cảnh dưới dạng thăm thân, du lịch thông thường và trong phương tiện vận chuyển hàng quá cảnh. Ma túy được trà trộn, ngụy trang trong hàng hóa thông thường và hàng hóa diện quà biếu, quà tặng như: bánh kẹo, đường sữa, lon nước, hoa quả, hàng điện tử, loa thùng, loa kéo, ampli… Lợi dụng khu vực biên giới địa hình hiểm trở, đối tượng vi phạm thực hiện giao ma túy vào ban đêm, người giao nhận không biết nhau; sử dụng vũ khí “nóng” sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng…

Tội phạm ma túy còn khai tên theo tên doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp ưu tiên để làm bình phong; từ đó thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong đó trà trộn, cất giấu ma túy hoặc nhập khẩu thiết bị, phương tiện, tiền chất phục vụ cho việc sản xuất, điều chế ma túy bất hợp pháp. Thậm chí, có doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất sử dụng sai mục đích, sử dụng trái phép tiền chất, hóa chất nhập khẩu dẫn đến tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để sản xuất, điều chế, mua bán ma túy trái phép…

Toàn ngành vào cuộc đấu tranh phòng chống ma túy

Trong Kế hoạch phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021-2025, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị tăng cường thu thập, trao đổi thông tin, tổng hợp báo cáo, số liệu để nắm bắt, phân tích, đánh giá, dự báo sát tình hình và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát, kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hành khách và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh; chủ trì, phối hợp xây dựng phương án, kế hoạch, tổ chức đấu tranh có hiệu quả nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý triệt để, tận gốc các hành vi bất hợp pháp liên quan đến ma túy, tiền chất thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hải quan.

5 nhóm mục tiêu trong công tác đấu tranh đẩy lùi ma túy

Trong Kế hoạch phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021 - 2025, ngành Hải quan xác định 5 nhóm mục tiêu trọng tâm. Trước tiên là, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Bộ Tài chính và ngành Hải quan về công tác phòng chống ma túy; tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy thông qua thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đảm bảo hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, từ sớm hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới; kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy, tiền chất; thúc đẩy quan hệ phối hợp, hợp tác giữa cơ quan hải quan với các bộ, ngành, lực lượng chức năng và cơ quan hải quan nước ngoài, tổ chức khu vực, quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới…

Bên cạnh đó, ngành Hải quan thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng hải quan chuyên trách PCMT; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và rà soát, đề xuất cơ chế chính sách, điều kiện đảm bảo cho lực lượng hải quan chuyên trách PCMT tại các cấp từ trung ương đến địa phương, nhằm tạo cơ sở, điều kiện thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Đồng thời, ngành Hải quan tiếp tục tăng cường trang bị máy móc, công cụ chuyên dùng, chó nghiệp vụ phục vụ PCMT; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ trong triển khai công tác PCMT, đáp ứng mô hình hải quan số, hải quan thông minh theo định hướng phát triển của Hải quan Việt Nam đến năm 2030.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy của ngành Hải quan; tăng cường phối hợp với các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và thúc đẩy hợp tác quốc tế về PCMT…

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam