Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường

12:30 | 29/06/2022 Print
Theo Bộ Công thương, cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp, vấn đề về môi trường đang ngày càng được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nhận thức tầm quan trọng của mối liên hệ giữa bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Đảng ta luôn đề cao bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, hoạt động công nghiệp được quan tâm phát triển theo hướng hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thách thức phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường

Ở Việt Nam, quá trình phát triển kinh tế công nghiệp đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường, lên các hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Trong tình hình này, ngành công nghiệp môi trường trở thành lĩnh vực được quan tâm và chú trọng hàng đầu trong công cuộc phát triển kinh tế quốc gia đi kèm với bảo vệ môi trường.

Trước thực tế đó, Đảng, Chính phủ đã đưa ra các quy định chi tiết về phát triển ngành công nghiệp môi trường để hiện thực hóa ngành công nghiệp môi trường trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Các văn bản quy định về bảo vệ môi trường đã được sửa đổi, thay thế. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã được ban hành để thay thế Luật Bảo vệ môi trường 2014.

Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường
Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường. Ảnh: TL

Trên cơ sở đó, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó Bộ Công thương được giao chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cụ thể về công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường và xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Kể từ khi có Luật Bảo vệ môi trường (2014), ngành công nghiệp môi trường được nhìn nhận như một ngành kinh tế gồm sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực chính là công nghệ, thiết bị, sản phẩm công nghiệp môi trường; dịch vụ công nghiệp môi trường (thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải; quan trắc, phân tích…); sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường. Thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao Bộ Công thương đã phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai và đạt một số kết quả đáng ghi nhận.

Thứ nhất, về công nghệ, thiết bị, sản phẩm công nghiệp môi trường: Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong tăng cường nghiên cứu sản xuất thiết bị quan trắc môi trường, thiết bị xử lý nước thải, lò đốt chất thải, lò hơi phát điện đồng xử lý chất thải, phương tiện thu gom, vận chuyển, phân loại, xử lý chất thải rắn, thiết bị xử lý khí thải... Các địa phương hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường thông qua chương trình khuyến công.

Thứ hai, về dịch vụ công nghiệp môi trường, giai đoạn vừa qua, hoạt động này mới chú trọng phát triển các hợp đồng dịch vụ thuê, mướn xử lý chất thải mà chưa chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng (các nhà máy tái chế, nhà máy chế biến, xử lý chất thải).

Thứ ba, về sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường, các nhà máy nhiệt điện than, hóa chất và phân bón đẩy nhanh tiến độ xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao phát sinh trong quá trình sản xuất.

Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp môi trường

Để phát triển ngành công nghiệp môi trường đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

Theo đó, ngành Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường làm cơ sở đề Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý các vấn đề môi trường quan trọng, lâu dài, quy mô cấp vùng, quốc gia, quốc tế ảnh hưởng đến phát triển bền vững của đất nước; ngăn ngừa ứng phó sự cố môi trường, thảm họa môi trường.

Bộ Công thương cũng phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường nhằm tạo cơ sở, cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực ngân sách hỗ trợ các dự án đầu tư sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường.

Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tuyên truyền về công nghiệp môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về công nghiệp môi trường.

Huy động và tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp môi trường; đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả các công nghệ mới, sản phẩm mới để phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Chú trọng việc xây dựng và phát triển thị trường cho ngành công nghiệp môi trường để thúc đẩy thị trường sản phẩm hàng hóa cho ngành này phát triển, từng bước phát triển ngành công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế không chỉ đáp ứng các yêu cầu về xử lý các vấn đề môi trường mà còn đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế./.

Nguyễn Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam