Sắp hết thời hạn giãn hoãn nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN:

Ngân hàng và doanh nghiệp đều phải gồng mình vượt khó

08:08 | 30/06/2022 Print
(TBTCO) - Ngày 30/6 là thời hạn cuối cùng để các ngân hàng thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ theo quy định tại Thông tư 14/2021/TT-NHNN (Thông tư 14), trong khi Ngân hàng Nhà nước không thể hiện sẽ cho phép kéo dài thời hạn. Điều này đặt các ngân hàng và doanh nghiệp trong thế sẽ phải căng sức tự vượt lên khó khăn trong giai đoạn tới.

Thời hạn giãn hoãn nợ sắp kết thúc

Thông tư 14 là văn bản sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Theo kết quả khai thác tại hệ thống báo cáo tập trung của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu theo các Thông tư 01, 03 và 14 là hơn 695 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680 nghìn khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91 nghìn tỷ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18 nghìn tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồ họa: Thế Dương

Thông tư 14 được ban hành vào tháng 9/2021, đúng thời khắc cao điểm cả nước đang gồng mình chống dịch, nhiều tỉnh thành đang phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Thời điểm đó, phạm vi mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 nghiêm trọng hơn các đợt dịch trước.

Để hỗ trợ tốt hơn doanh nghiệp người dân trước ảnh hưởng của dịch bệnh thời điểm đó, một trong những điểm đáng quan tâm trong Thông tư 14 là việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 30/6/2022 (kéo dài thêm 6 tháng so với Thông tư 01 và 03).

Quy định về điều kiện phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, hoặc lãi kéo dài thêm 6 tháng được giới chuyên môn đánh giá sẽ giúp mở rộng thêm cho nhiều đối tượng hơn có thể đủ điều kiện được tái cơ cấu nợ.

Ngoài ra, một số quy định khác cũng giúp mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ hơn. Cụ thể, Thông tư 14 đưa thêm các điều kiệm mới về thời gian giúp có thêm nhiều đối tượng được bổ sung vào đối tượng được phép tái cơ cấu nợ, đó là nhóm khách hàng phát sinh khoản nợ trong giai đoạn từ 10/6/2020 đến trước 1/8/2021.

Không kéo dài để tránh ỷ lại

Đánh giá chung qua những ngày đầu áp dụng Thông tư 14, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, nội dung như hiện nay của Thông tư 14 cũng là khá phù hợp, ban hành kịp thời và sẽ có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề trước mắt hiện nay, tháo gỡ phần lớn những lo lắng của các ngân hàng và doanh nghiệp vay vốn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây khi thời hạn giãn hoãn nợ sắp kết thúc, chính ông Hùng cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, việc tiếp tục kéo thời gian hoãn nợ là không cần thiết nữa, do bối cảnh hiện tại nền kinh tế đã trở lại giai đoạn bình thường mới. Theo ông Hùng, Ngân hàng Nhà nước không nên kéo dài Thông tư 14 qua ngày 30/6/2022 nữa để ngân hàng và doanh nghiệp không thể quá ỷ lại vào chính sách. Các tổ chức tín dụng sẽ phải tự lo cơ cấu những khoản nợ xấu tiềm ẩn trong tương lai và có hướng xử lý riêng. Bởi lẽ, theo phân tích của ông Hùng, việc cứ tiếp tục kép dài việc giãn hoãn nợ khiến cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn vẫn cứ “ẩn” mãi cũng là một việc không hay, gia tăng rủi ro trong tương lai.

Việc miễn, giảm lãi cũng kết thúc sau ngày 30/6/2022

Ngoài quy định về thời hạn cơ cấu nợ, Thông tư 14 cũng quy định thời hạn miễn, giảm lãi, phí cũng chỉ kéo dài đến ngày 30/6/2022. Cụ thể: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc, hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc, hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này thực hiện đến ngày 30/6/2022.

Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Trần Đăng Phi - Phó Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời điểm Thông tư 14 ban hành thực hiện trên tinh thần thực hiện các nghị quyết của Chính phủ trong việc thực thi các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, hoạt động kinh và cuộc sống người dân đã trở lại trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cũng không còn bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách. “Do đó, chúng tôi cho rằng, việc kéo dài là không còn cần thiết” - ông Phi nói. Tuy nhiên, đại diện cơ quan quản lý ngành Ngân hàng cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng vẫn sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến cụ thể từ thị trường để có giải pháp phù hợp.

Việc Thông tư 14 không tiếp tục được kéo dài có thể khiến một số doanh nghiệp sẽ phải “xoay sở” vất vả hơn để đáp ứng nguồn vốn nối tiếp cho hoạt động kinh doanh. Theo ông Hùng, trong bối cảnh này, các tổ chức tín dụng cũng nên nhìn nhận và đánh giá lại các nhóm khách hàng của mình, có giải pháp hỗ trợ tiếp tục duy trì tìm kiếm nguồn vốn phù hợp.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam