Gần 117 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động

13:26 | 29/06/2022 Print
(TBTCO) - Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn (116,9 nghìn doanh nghiệp), tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất từ trước đến nay GDP quý II tăng 7,72%, cao nhất trong 12 năm

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 6, cả nước có gần 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 121,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 77,1 nghìn lao động, giảm 0,7% về số doanh nghiệp, giảm 3,7% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với tháng 5/2022.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 882,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 514,8 nghìn lao động, tăng 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký và tăng 6,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm vượt mốc 70 nghìn doanh nghiệp và cũng là mức kỷ lục trong giai đoạn này.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 11,6 tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả 1.847,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 27 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2022 là 2.730 nghìn tỷ đồng, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có gần 40,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 116,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, có 50,9 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 43,0% so với cùng kỳ năm trước; gần 24,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%; 8,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 13,6%. Bình quân một tháng có 13,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tổng số 6 tháng đầu năm có 83,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,0% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Tổng cục Thống kê, những con số trên phần nào cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng đang đối diện không ít khó khăn do giá xăng, dầu tăng cao và nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm làm cho sản xuất bị gián đoạn. Lưu thông hàng hóa ở một số thị trường bị gián đoạn dẫn đến thiếu hụt một số mặt hàng như thực phẩm, thuốc, phân bón, thiết bị y tế và thiết bị công nghệ thông tin trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó tác động lan truyền làm tăng chi phí sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chịu tác động lớn do dịch bệnh Covid-19, luôn trong tình trạng vừa tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vừa sản xuất kinh doanh, vừa tìm kiếm thị trường mới. Thu hút đầu tư vào nhiều ngành vẫn gặp khó khăn, tiến độ thi công một số công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước còn chậm, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Trong khi đó, công tác đào tạo nghề và tuyển dụng người lao động vào làm việc tại doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn, nhất là lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao.

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam