TP. Hồ Chí Minh: Chủ động nhiều giải pháp tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

15:42 | 29/06/2022 Print
(TBTCO) - Cập nhật đến 23/6, TP. Hồ Chí Minh mới giải ngân vốn đầu tư công đạt 17% kế hoạch. Trước thực tế này, để đảm bảo tối đa hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, chính quyền thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng tỷ lệ giải ngân, với mục tiêu phải đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao trong năm 2022.

Vốn giải ngân của TP. Hồ Chí Minh đạt thấp, vì sao?

Sáng 29/6, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022. Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, theo tài liệu phiên họp, trong năm 2022, UBND Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn là 31.943,6 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương 2.479,6 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 29.464 tỷ đồng.

Căn cứ số liệu của Kho bạc Nhà nước Thành phố cung cấp, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của Thành phố đã giải ngân đến ngày 23/6/2022 mới được 5.941,9 tỷ đồng, tức chỉ đạt 17% tổng kế hoạch vốn giao.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh Huyền Châu
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh Huyền Châu

Với tỷ lệ như vậy thì công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 theo kế hoạch chưa đạt như kỳ vọng. Mặc dù Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhưng công tác thực hiện các dự án đầu tư công vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế.

Ngoài các nguyên nhân khách quan làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công như dịch bệnh Covid-19, giá nguyên vật liệu đầu vào, chuỗi cung ứng, thị trường tiêu thụ, khó khăn vướng mắc về thực hiện các quy định về đầu tư công, về sử dụng vốn ODA... thì còn có các nguyên nhân chủ quan như: khó khăn liên quan công tác giải phóng mặt bằng; cần phải có thời gian thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án trên cơ sở Nghị quyết số 99/NQ-HĐND ngày 19/10/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố, Quyết định 4354/QĐ-UBND ngày 28/12/2021 về Kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 nguồn vốn địa phương của UBND Thành phố.

Trong khi đó, Quyết định số 568/QĐ-UBND của UBND Thành phố về giao kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách địa phương vào ngày 28/2/2022 muộn hơn so với cùng kỳ... cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các cơ quan, đơn vị.

Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và hoàn thành thắng lợi kế hoạch đầu tư công năm 2022, chính quyền Thành phố đã ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại Quyết định số 1351/QĐ-UBND ngày 26/4/2022. Theo đó cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp mang tính thường xuyên, đặc thù của công tác giải ngân vốn đầu tư công cho các cơ quan thực hiện, đảm bảo tối đa hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công của Thành phố.

Tăng tốc, hướng đến mục tiêu giải ngân đạt kế hoạch từ 95% trở lên

Ngoài các giải pháp mang tính thường xuyên nêu trên, Thành phố triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tăng tốc tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Đó là xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022 của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp…

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh Huyền Châu
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh Huyền Châu

Chính quyền thành phố cũng chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức, các chủ đầu tư hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị mình; đôn đốc các nhà thầu thực hiện nghiêm quy định về thanh toán, quyết toán giá trị công trình và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND Thành phố về việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Báo cáo ngay với UBND Thành phố tình trạng các nhà thầu triển khai chậm trễ, không đảm bảo năng lực, chất lượng, tiến độ, không thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán vốn đầu tư theo quy định.

Đồng thời, tổ chức hội nghị giao ban rà soát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công định kỳ hàng tháng để đánh giá kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công, lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của đơn vị đảm bảo các dự án triển khai đúng thời gian thực hiện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tránh để xảy ra tình trạng “ngâm” vốn dẫn đến phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

Bên cạnh đó là linh hoạt trong công tác điều hành kế hoạch vốn, kịp thời tham mưu điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hấp thụ vốn tốt, bổ sung vốn cho các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định và đủ điều kiện để bố trí vốn. Tăng cường cải tiến hệ thống quản lý đầu tư công, bổ sung và tích hợp các tính năng giám sát tiến độ thực hiện dự án, liên thông với các cơ quan quản lý tài chính như Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước để cập nhật kịp thời kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố.

‘‘Lãnh đạo UBND Thành phố cũng định kỳ họp giao ban với cơ quan, đơn vị chủ đầu tư đang quản lý các dự án vốn lớn để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án trong quá trình triển khai thực hiện, phấn đấu kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 đạt tỷ lệ từ 95% trở lên trên tổng số vốn giao theo đúng các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022’’ – Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết./.

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam