TP. Hồ Chí Minh: Thu ngân sách đạt trên 238 nghìn tỷ đồng

17:30 | 29/06/2022 Print
(TBTCO) - Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên toàn địa bàn TP. Hồ Chí Minh ước thực hiện được 238.648 tỷ đồng, đạt 61,7% dự toán và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể hơn về khoản thu ngân sách 6 tháng này, báo cáo của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho biết, thu nội địa ước thực hiện 156.838 tỷ đồng, đạt 60,4% dự toán, chiếm 65,7% tổng thu cân đối và tăng 17,6% (so với cùng kỳ năm 2021); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 68.700 tỷ đồng, đạt 59% dự toán, chiếm 28,8% tổng thu cân đối và tăng 9,6%; thu dầu thô ước thực hiện 13.100 tỷ đồng, vượt 24,8% dự toán, chiếm 5,5% tổng thu cân đối và tăng 85,1%.

6 tháng đầu năm, nguồn thu ngân sách của TP. Hồ Chí Minh liên quan đến bất động sản tăng gấp hai lần. Ảnh Đỗ Doãn
Lũy kế 6 tháng đầu năm, nguồn thu ngân sách nhà nước liên quan đến bất động sản của TP. Hồ Chí Minh tăng gấp hai lần. Ảnh Đỗ Doãn

Đáng chú ý, trong thu nội địa, các khoản thu từ hoạt động kinh tế 6 tháng đầu năm đều đạt khá. Cụ thể, thu từ doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 15.225 tỷ đồng, đạt 58% dự toán, chiếm 6,4% tổng thu và tăng 5,3%; thu từ khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 43.613 tỷ đồng, đạt 64,8% dự toán, chiếm 18,3% tổng thu và tăng 11,7%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 36.642 tỷ đồng, đạt 64,8% dự toán, chiếm 15,4% tổng thu và tăng 9,2%.

Riêng các khoản thu liên quan đến bất động sản tăng gấp hai lần, thuế sản phẩm tăng 10,6%...

Trong khi đó, tổng thu cân đối ngân sách địa phương lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 ước thực hiện 55.543 tỷ đồng, đạt 33% dự toán, chiếm 23,3% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước và tăng 36,5%.

Nguyên nhân thu ngân sách nhà nước 6 tháng của TP. Hồ Chí Minh đạt khá được nhìn nhận chủ yếu do kinh tế thành phố hồi phục và đang lấy lại đà tăng trưởng. Hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại thành phố làm việc. Trong khi đó, doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường, đa dạng khách hàng; xu hướng kinh doanh được đánh giá tốt hơn.

Đồng thời, hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động khi khách du lịch quay trở lại thành phố và nhiều hoạt động được tổ chức để kích cầu tiêu dùng; cải thiện thủ tục hành chính nhằm kêu gọi đầu tư; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, đặc biệt tại các dự án, công trình trọng điểm…/.

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam