Quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ

14:18 | 27/05/2022 Print
Các chuyên gia cho rằng, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân nâng cao giá trị tài sản trí tuệ và sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Hỗ trợ địa phương phát triển tài sản trí tuệ

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đến nay, đã có 42 tỉnh, thành phố ban hành các cơ chế, chính sách phát triển tài sản trí tuệ dưới các hình thức khác nhau. Trong năm 2021, đã có 159 dự án được các địa phương triển khai thực hiện với 15 sáng chế, giải pháp hữu ích được hỗ trợ bảo hộ, khai thác, 205 sản phẩm đặc thù địa phương được hỗ trợ bảo hộ, quản lý quyền sở hữu công nghiệp, 18 tổ chức tập thể được thành lập để quản lý TSTT cộng đồng, 7.131 lượt người được tập huấn, đào tạo về sở hữu trí tuệ (SHTT), 1178 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ về SHTT, 160 lượt phát sóng truyền hình tuyên truyền về SHTT.

Quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (ngoài cùng bên trái) thăm quan gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng, công nghệ cao của tỉnh Bắc Giang.

Báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện nhiều địa phương có nhu cầu tiếp tục được Cục SHTT hướng dẫn, hỗ trợ trong hoạt động đăng ký xác lập quyền trong và ngoài nước, quản lý và khai thác các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận dùng cho các đặc sản địa phương; hỗ trợ địa phương tham gia thực hiện các dự án.

Ông Lê Ô Pích - Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho biết, từ thực tiễn của tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua có thể nói hoạt động SHTT đóng vai trò tích cực, giúp nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong tạo lập, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ, tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội. Ví như, trong lĩnh vực công nghệ cao, Bắc Giang là nơi ra đời của nhiều sản phẩm công nghệ nổi tiếng như: Đồng hồ đeo tay - Apple Watch, UAV - máy bay không người lái, tai nghe không dây…

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã đăng ký bảo hộ được 3 chỉ dẫn địa lý, 5 nhãn hiệu chứng nhận và 66 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm hàng hóa nông sản tiêu biểu của tỉnh. Nhiều sản phẩm được bảo hộ thành công tại nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ... Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Hiện tại, tỉnh Bắc Giang đã có 2.288 đơn đăng ký và được Cục SHTT cấp 1.180 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Còn theo Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định, việc triển khai hỗ trợ các nội dung về SHTT tại Nghị quyết 42/2017-HĐND ngày 10/7/2017 của HĐND tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ về phát triển tài sản trí tuệ trong Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho 4 sản phẩm: cơ khí xã Xuân Tiến (Xuân Trường); nông, lâm, thủy sản của Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định; “Mật ong Rừng Sú - Vẹt” của Vườn quốc gia Xuân Thủy nhằm tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Năm 2021, đã có 146 sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt 3-4 sao; 178 sản phẩm của 63 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện công bố, tự công bố chất lượng sản phẩm. Một số sản phẩm đã được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường khó tính như: muối sạch xuất khẩu sang Nhật Bản; nông sản sấy xuất khẩu sang Trung Quốc; thịt ngao đóng hộp Lenger xuất khẩu sang EU; sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu sang Hồng Kông, Malaysia...

Vai trò quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ hết sức quan trọng

Đánh giá về công tác thực thi quyền SHTT, Cục trưởng Cục SHTT Ðinh Hữu Phí cho hay, năm 2021, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác thực thi quyền SHTT nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động này đã có xu hướng giảm mạnh.

Theo báo cáo của các địa phương, cả nước có 1.109 vụ xâm phạm quyền về nhãn hiệu đã được xử lý với tổng số tiền phạt là 13,294 tỉ đồng và gần 300.000 sản phẩm bị xử lý, giảm 55% về số vụ và 38% tổng số tiền phạt so với năm 2020 (2.457 vụ với tổng số tiền phạt là 21,533 tỉ đồng).

Phát biểu tại Hội nghị SHTT năm 2022, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, SHTT đóng vai trò quan trọng đối với từng quốc gia, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bởi vậy, cần có định hướng phát triển hoạt động SHTT cả ở trung ương và địa phương năm 2022 và các năm tiếp theo.

Để phù hợp với bối cảnh đó, Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 đã được ban hành kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng lồng ghép SHTT trong từng lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm xây dựng và phát triển được một số ngành kinh tế thâm dụng tài sản trí tuệ.

Trong đó, quản lý nhà nước về SHTT là một trong những hoạt động quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình thực hiện mục tiêu đó. Để hoạt động này ngày càng có hiệu quả và phát huy vai trò thì việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và định hướng phát triển cho những năm tiếp theo là việc làm hết sức cần thiết.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT ở cả trung ương và địa phương đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cần được xem xét, giải quyết để có được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới./.

Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam