Taseco Land và nước cờ cân não tìm giải pháp vốn “nuôi” dự án

17:04 | 30/06/2022 Print
(TBTCO) - Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) đưa ra mục tiêu lợi nhuận 2022 gấp tới gần 5 lần năm 2021 cho thấy những tín hiệu lạc quan đang mở ra với doanh nghiệp này. Tuy nhiên, việc “nuôi” số lượng dự án lớn có thể cũng sẽ gây áp lực về tài chính cho công ty, trong khi giải pháp “quay vòng” dự án cũng vẫn có thể có những sự chênh vênh nhất định.

Những tham vọng lớn của Taseco Land

Các thông tin tài chính được Taseco Land đặt ra trong năm 2022 cho thấy tham vọng khá lớn của doanh nghiệp bất động sản này.

Cụ thể, Taseco Land đặt ra kế hoạch cho năm 2022 doanh thu hợp nhất đạt gần 3.600 tỷ đồng, tăng trưởng tới 383,1% so với kết quả doanh thu năm 2021. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt trên 804 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 631,5 tỷ đồng, tăng trưởng 379,8%. Cổ tức dự kiến từ 15% đến 20%.

Trước đó, Taseco Land cũng đã có một năm kinh doanh 2021 với các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch. Cụ thể, doanh thu hợp nhất thực hiện năm 2021 đạt 744,1 tỷ đồng, vượt 5,6% so với kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 131,6 tỷ đồng, vượt 16% so với kế hoạch.

Taseco Land và nước cờ cân não tìm giải pháp vốn “nuôi” dự án
Trong năm qua, Taseco Land đã tăng tỷ lệ sở hữu tại INCON4. Ảnh: T.L
Louis Land mua thêm gần 1,5 triệu cổ phiếu TDH và thành cổ đông lớn Dòng tiền âm nặng, Khải Hoàn Land tìm vốn từ phát hành trái phiếu Cen Land điều chỉnh phương án sử dụng vốn từ đợt phát hành cổ phiếu

Trong năm 2021, Taseco Land đã thực hiện việc tăng vốn điều lệ từ 1.600 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng và góp vốn đầu tư tài chính (thành lập mới, nhận chuyển nhượng và tăng vốn điều lệ) tổng số tiền là 736,05 tỷ đồng.

Cụ thể, doanh nghiệp này đã góp 88,8 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 74% vào Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ Yên Bình; góp vốn vào Công ty TNHH Alacarte Hạ Long (nay là Công ty cổ phần Alacarte Hạ Long) số tiền 120 tỷ đồng; góp vốn thành lập Công ty Đầu tư TAH số tiền 349,65 tỷ đồng; nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 4 (ICON4) để tăng sở hữu lên 61,25%...

Theo như chia sẻ của lãnh đạo công ty tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra cuối tháng 6/2022, công ty đang đang duy trì các chỉ số tài chính an toàn và lành mạnh, với số dư tiền cuối năm toàn hệ thống vào khoảng 271 tỷ đồng, hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 40%.

Bên cạnh đó, công ty cũng tập trung công tác bán hàng tại hai dự án À La Carte Ha Long Bay và Lương Sơn Riverview Hòa Bình để thu hồi và chủ động nguồn vốn. Taseco Land đã đẩy mạnh công tác thi công, hoàn thiện dự án À La Carte Ha Long Bay để đưa công trình vào khai thác vận hành cuối năm 2022. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng hạ tầng các dự án mà công ty là chủ đầu tư tại một số tỉnh như Thanh Hóa, Hòa Bình... tiến triển đúng kế hoạch.

Bài toán cân não về vốn “nuôi” dự án

Danh mục các dự án mà Taseco Land đang theo đuổi cho thấy doanh nghiệp khá nhiều tham vọng, đồng thời cũng cho thấy nhiều công việc bộn bề phía trước. Danh mục các dự án của công ty này cũng trải dài nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Dự án Tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ và căn hộ chung cư Alacarte Hạ Long – Quảng Ninh hiện đã hoàn thành thi công xây lắp, hoàn thiện nội thất, cảnh quan… các khối căn hộ, các khu thương mại dịch vụ và dự kiến nghiệm thu bàn giao cho khách tháng 12/2022.

Một số dự án đang chuẩn bị xây dựng:

Dự án Khu nhà ở tại thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu kỹ thuật vào quý II/2022 và dự kiến hoàn thành cơ bản công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vào quý III/2022.

Dự án số 4 Khu đô thị thành phố Thanh Hóa đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, đã được giao đất giai đoạn 1 vào tháng 5/2022.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái bốn mùa cao cấp – Thanh Hóa hoàn thành cơ bản công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phần đất nông nghiệp quý II/2022.

Dự án Khu nhà ở Riverview Lương Sơn – Hòa Bình hoàn thành quyết toán dự án vào quý III/2022; Dự án Khách sạn cao cấp, văn phòng kết hợp trung tâm thương mại B2CC2 Starlake Tây Hồ Tây hoàn thành điều chỉnh quy hoạch quý II/2022, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quý III/2022; Dự án nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu, Hà Nội hoàn thành chủ trương đầu tư vào quý III/2022.

Ngoài ra, nhiều dự án khác đang triển khai của Taseco Land đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và các khâu chuẩn bị đầu tư xây dựng khác.

Không dừng lại ở các dự án đang có, công ty này còn đang có định hướng tiếp tục ưu tiên tập trung nghiên cứu các dự án mới, đưa tổng số dự án lên hơn 40 dự án tại trên 10 tỉnh thành với tổng quỹ đất nghiên cứu hơn 2.000 ha nhằm tạo quỹ đất phát triển cho các năm tiếp theo.

Tham vọng lớn của Taseco là vậy, tuy nhiên, nguồn lực tài chính cho đến cuối năm 2021 chỉ ở mức 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ (dự kiến tăng vốn lên 2.700 tỷ đồng trong năm 2022) đang tỏ ra khá nhỏ bé so với số lượng hàng chục dự án lớn nhỏ khác nhau của Taseco.

Trong năm 2022, công ty dự kiến hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho một số dự án

Dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Vincoinstec – Huế dự kiến trình thẩm định và phê duyệt đầu tư quý IV/2022.

Dự án Khu du lịch và dịch vụ Sunrise Bảo Ninh – Quảng Bình dự kiến điều chỉnh chủ trương đầu tư vào quý IV/2022.

Dự án Tòa nhà 1283 Giải Phóng – Hà Nội đang thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định…

Chưa kể, mục tiêu của Taseco Land trong các năm tới sẽ vẫn tiếp tục tham gia đấu thầu, đấu giá nhiều dự án với quỹ đất lớn tại nhiều địa phương. Để chuẩn bị cho kỳ vọng lớn như vậy, Taseco Land đã lên kế hoạch thu hồi vốn tại các dự án đã và đang đầu tư từ các năm trước.

Thực tế trong năm 2022, Taseco Land cũng có kế hoạch chuyển nhượng một số dự án đang triển khai. Chẳng hạn như các dự án thương hiệu Starlake – Tây Hồ Tây đang được công ty thực hiện các chủ trương chuyển nhượng trong thời gian tới.

Kỳ vọng lớn là vậy, nhưng thực tế các hoạt động đầu tư và rút vốn không phải lúc nào cũng thuận chèo xuôi mái. Tương tự như các hoạt động đầu tư tài chính, một công ty con của Taseco Land là ICON4 ghi nhận giá trị hợp lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn tính tại thời điểm cuối quý I/2022 là 17,5 tỷ đồng. Đây là các khoản đầu tư vào các công ty liên kết, liên doanh và đầu tư và đơn vị khác. Tuy nhiên, số tiền “mắc kẹt” phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn cũng lên tới 5,5 tỷ đồng, chiếm tới hơn 31% so với giá trị hợp lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm đó./.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam