Ngành Công thương: Phối hợp chặt chẽ chống thất thu thuế thương mại điện tử

11:35 | 01/07/2022 Print
(TBTCO) - Thị trường Thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên 13,7 tỷ USD năm 2021, chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua phát triển mạnh mẽ. Điều này đặt ra vấn đề tìm giải pháp để quản lý và thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử chặt chẽ. Phóng viên TBTCVN có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Bộ Công thương.

PV: Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển khá mạnh và là xu thế tất yếu trong hoạt động kinh tế hiện nay. Xin ông cho biết, hiện Việt Nam có bao nhiêu sàn giao dịch điện tử đăng ký hoạt động. Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT?

Ngành Công thương: Phối hợp chặt chẽ chống thất thu thuế thương mại điện tử
Ông Đặng Hoàng Hải

Ông Đặng Hoàng Hải: Hiện nay, đã có 1.186 website TMĐT và 259 ứng dụng TMĐT được xác nhận đăng ký. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều website TMĐT và ứng dụng TMĐT chưa được quản lý.

Theo thống kê của Bộ Công thương, thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên 13,7 tỷ USD năm 2021, chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Theo báo cáo “nền kinh tế internet Đông Nam Á năm 2021” của Google và Temasek, doanh thu kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt 21 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2020 và dự đoán đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.

Với tiềm năng dân số lớn, hạ tầng ngày càng đồng bộ và phát triển, Việt Nam đang là mảnh đất đầy tiềm năng cho các thương nhân, tổ chức nước ngoài cung ứng dịch vụ TMĐT vào Việt Nam.

PV: Thời gian qua, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã có rất nhiều giải pháp để quản lý, trong đó có việc phối hợp với các bộ, ngành trong việc chống thất thu thuế. Cục TMĐT và kinh tế số (KTS) đã phối hợp với ngành Thuế như thế nào để quản lý, chống thất thu thuế, thưa ông?

Ông Đặng Hoàng Hải: Về nguyên tắc, mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có kinh doanh đều có nghĩa vụ nộp thuế, theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành. Để đẩy mạnh quản lý thuế trong hoạt động TMĐT, đồng thời thực hiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ Công thương tại Luật Quản lý thuế số 38, Cục TMĐT và KTS được phân công kết nối, cung cấp thông tin liên quan để phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Tổng cục Thuế trong quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT.

 Đồ họa: Thế DươngNguồn: Bộ Công thương
Đồ họa: Thế Dương Nguồn: Bộ Công thương

Triển khai thực hiện nhiệm vụ trên, Cục TMĐT và KTS đã tích cực tham gia phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Tổng cục Thuế trong việc chia sẻ dữ liệu về các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập, vận hành website/ứng dụng TMĐT phối hợp công tác quản lý thuế của Tổng cục Thuế.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế và lồng ghép những nội dung liên quan đến nghĩa vụ thuế đối với hoạt động TMĐT trong các chương trình về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TMĐT được triển khai hàng năm.

PV: Theo ông, giải pháp để chống thất thu thuế một cách hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh TMĐT hiện nay là gì?

Ông Đặng Hoàng Hải: Hiện nay, hệ thống pháp luật về thuế đối với hoạt động TMĐT về cơ bản đang dần được hoàn thiện. Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT đặc biệt là những cá nhân, tổ chức hoạt động TMĐT xuyên biên giới nộp thuế theo quy định sẽ được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, ngày 12/11/2021, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2146/QĐ-BTC về Kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam”. Tại đề án này, đã được lên kế hoạch triển khai chi tiết theo các lộ trình ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể, trong ngắn hạn, các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công thương đề xuất, xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành.

Sàn giao dịch nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký

Nghị định số 85 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử có bổ sung điều chỉnh đối với các thương nhân, tổ chức nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam, nhằm đảm bảo cho hoạt động thương mại điện tử được chặt chẽ hơn. Theo đó, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động sau: có tên miền Việt Nam; hoặc có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong 1 năm thì thương nhân, tổ chức nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công thương, trong vòng 12 tháng kể từ ngày Nghị định 85 có hiệu lực (ngày 1/1/2022).

PV: TMĐT là lĩnh vực mới, theo ông, cơ quan nhà nước cần có giải pháp nào để vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, vừa có thể quản lý được dòng tiền để tránh gian lận, gây thất thu thuế?

Ông Đặng Hoàng Hải: Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động TMĐT, đồng thời tạo môi trường kinh doanh TMĐT lành mạnh, Bộ Công thương được Chính phủ giao chủ trì, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT (Nghị định 85).

Hiện nay, các giao dịch được thực hiện thông qua các website, ứng dụng TMĐT bán hàng, hay các sàn giao dịch TMĐT về cơ bản đã được quy định cụ thể về việc minh bạch và lưu trữ thông tin giao dịch.

Đối với những sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến, ngoài các nghĩa vụ chung, còn phải thực hiện các trách nhiệm riêng như: phải có trách nhiệm lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch TMĐT, theo quy định của pháp luật về kế toán; phải đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch TMĐT giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch TMĐT, theo quy định của pháp luật Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025

Nhằm phát triển thương mại điện tử (TMĐT), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg (ngày 15/5/2020) phê duyệt Kế hoạch tổng thể TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch đề ra một số nhóm giải pháp như:

Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển TMĐT trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng TMĐT và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số.

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động TMĐT xuyên biên giới nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong TMĐT; thường xuyên rà soát khung pháp lý, chính sách về TMĐT trong nước so với các cam kết trong các hiệp định thương mại, đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới; đánh giá chi tiết tác động của các cam kết quốc tế đối với TMĐT và dịch chuyển dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng sau bán hàng...

Về các giải pháp xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong TMĐT, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo kỹ năng TMĐT cho người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp, tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong TMĐT…

Trịnh Hải (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam