Thúc đẩy giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài

08:06 | 04/07/2022 Print
(TBTCO) - Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương đạt 9,12% kế hoạch vốn, cao hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn thấp so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước (đạt khoảng 29,76% kế hoạch). Bộ Tài chính đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn này.

Bộ Tài chính chủ động thúc đẩy giải ngân

Phát biểu tại hội nghị với các bộ, ngành, địa phương sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, kết thúc 6 tháng năm 2022, sau khi cơ bản kiểm soát dịch Covid-19 và mở cửa nền kinh tế, các cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo, tăng trưởng đạt 6,42%. Quý II có tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 11 năm trở lại. Thu ngân sách nhà nước đạt khá tới 66% dự toán. Bên cạnh các chỉ tiêu tích cực, thì có điểm nghẽn đó là giải ngân vốn đầu tư công, trong đó giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài đạt tỷ lệ thấp dưới 10%.

“Mặc dù có nỗ lực quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương song còn nhiều nguyên nhân khác khiến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này đạt thấp. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan, trong đó khâu tổ chức thực hiện là nguyên nhân trọng yếu khiến giải ngân thấp” - Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn nhận xét.

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Thế Dương

Theo Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, thời gian qua Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài, thông qua việc phối hợp với một số bộ, ngành như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số bộ được giao chỉ tiêu lớn như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... để có giải pháp để thúc đẩy giải ngân; trong đó có các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính để thúc đẩy giải ngân.

Thông tin tại hội nghị, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động triển khai tích cực các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân. Cụ thể, Bộ Tài chính có công văn gửi bộ trưởng các bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đôn đốc nhập Tabmis và giải ngân vốn nước ngoài; tích cực làm việc và trao đổi với tất cả các chủ dự án được giao kế hoạch vốn nước ngoài của 13 bộ, ngành và 59 địa phương; tổ chức các đoàn làm việc trực tiếp với 2 bộ và 10 địa phương có số kế hoạch vốn được giao lớn; tham gia 6 đoàn công tác đôn đốc giải ngân của Thủ tướng Chính phủ tại các bộ, ngành, địa phương trong tháng 5/2022; thực hiện kiểm soát chi và giải quyết đơn rút vốn đảm bảo ngắn nhất có thể và đúng quy định pháp luật...

Tổ chức thực hiện là nguyên nhân trọng yếu khiến giải ngân thấp

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết, mặc dù có nỗ lực quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, còn nhiều nguyên nhân khác khiến đạt thấp. Bên cạnh nguyên nhân khách quan còn có chủ quan, trong đó tổ chức thực hiện là nguyên nhân trọng yếu khiến giải ngân thấp.

Thứ trưởng cũng cho rằng, ngoài ra còn có nguyên nhân quan trọng đó là nguồn lực đầu tư cao, trong đó có nguồn lực từ nguồn vốn trong nước thì có hiện tượng một số bộ, ngành địa phương trả lại nguồn vốn ngoài nước.

“Đây là hiện tượng cần hết sức lưu ý. Việt Nam là nước đang phát triển mà nhu cầu đầu tư cao, nguồn vốn ngoài nước chủ yếu tập trung vào dự án cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu… Đây đều là những dự án quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước” - Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, nguyên nhân chậm giải ngân là do các dự án chậm triển khai công tác sẵn sàng cho đầu tư (chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chậm thiết kế cơ sở; chậm đấu thầu, vướng mắc trong đấu thầu hoặc vướng trong thực hiện hợp hiện hợp đồng với nhà thầu). Bên cạnh đó, một số dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay.

Ngoài ra, một số dự án chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán, hoặc đang kiện toàn ban quản lý dự án, ảnh hưởng thời tiết, bão lũ, sạt lở và dự án không triển khai được...

Các bộ, ngành cam kết giải ngân 100%

Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, cũng như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài cho các dự án đầu tư, thời gian tới, Bộ Tài chính khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng.

Nhiều bộ, ngành, địa phương tỷ lệ giải ngân 0%

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chỉ đạt 9,12% kế hoạch được giao, trong đó, các bộ, ngành đạt 16,12%, các địa phương đạt 5,38%. Tính từ đầu năm, thời gian xử lý đơn rút vốn đảm bảo đúng quy định. Tỷ lệ hoàn trả lại đơn rút vốn 4,7%.

Cụ thể, 2/13 bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) và 33/59 địa phương giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn được giao. Đặc biệt, có 8/13 bộ và 14/59 địa phương (4 địa phương Hưng Yên, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu không có kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài) có tỷ lệ giải ngân 0%.

Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, Bộ Tài chính lưu ý, các bộ, ngành, địa phương phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, phần kế hoạch vốn còn lại sau khi đã được điều chỉnh giảm, người đứng đầu các bộ, ngành cam kết giải ngân hết 100%; bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài trong những tháng cuối năm, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, đặc biệt là trong vấn đề tổ chức thực hiện để có khối lượng hoàn thành, làm thủ tục kiểm soát chi, cũng như thủ tục giải ngân.

“Chúng tôi hy vọng, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, thời gian tới sẽ đẩy nhanh được tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài để phục vụ cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch” - Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn nói.

Ông Hà Minh Hải - Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội:

Hà Nội đã giải ngân được 800 tỷ đồng

Năm 2022, Hà Nội có 5 dự án ODA được giao kế hoạch vốn là 5.157 tỷ đồng, trong đó vốn ODA cấp phát là 3.802 tỷ đồng và vay lại 1.355 tỷ đồng. Hà Nội hiện đã hoàn thành nhập Tabmis kế hoạch được giao năm 2022 theo quy định và không có vốn ODA kéo dài sang 2022. Đến hết tháng 6, giá trị giải ngân do Kho bạc Nhà nước Hà Nội kiểm soát chi và xác nhận hoàn thành là hơn 800 tỷ đồng, đạt 15,5% kế hoạch, trong đó ODA cấp phát đạt 13,4% kế hoạch, vốn vay lại đạt 21,42%.

Theo số liệu giải ngân thực hiện qua Bộ Tài chính và nhà tài trợ là hơn 649 tỷ đồng, đạt 13% kế hoạch. Số chênh lệch này do dự án Nhà máy nước thải Yên Xá vướng thủ tục điều chỉnh tên nhà đầu tư tại hiệp định cho vay, nên chưa giải ngân được.

Để đạt kế hoạch đề ra, bên cạnh việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc chung, TP. Hà Nội đề xuất với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, đặc biệt là Bộ Xây dựng sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép: Áp dụng chặt chẽ các điều khoản đã ký và tuân thủ hợp đồng trong trường hợp có sự khác biệt giữa nhà tài trợ với Việt Nam; áp dụng theo tiêu chuẩn của Việt Nam đối với dự án nước ngoài trong trường hợp có sự khác biệt với quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam; cho phép áp dụng quy định phê duyệt giá trị công trình, giá trị sửa đổi bổ sung theo đánh giá, quy định của tư vấn thực hiện dự án; bổ sung xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt liên quan tới hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá vật tư, thiết bị chuyên hạng, quy định chung về hệ thống chuyên ngành đường sắt đô thị…

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam