Tìm giải pháp phát triển lành mạnh thị trường bất động sản

15:20 | 05/07/2022 Print
(TBTCO) - Động thái kiểm soát tín dụng bất động sản, siết phân lô tách thửa, tăng cường quản lý thu thuế chuyển nhượng bất động sản… phần nào đã kìm hãm những cơn sốt đất cục bộ tại nhiều điểm nóng, hướng thị trường bất động sản trở lại quỹ đạo lành mạnh. Mặc dù vậy, vẫn cần thêm nhiều giải pháp tiếp theo.

Minh bạch hóa thị trường môi giới thứ cấp

Liên quan đến việc phát triển lành mạnh thị trường bất động sản (BĐS), theo ông Tô Bá Lâm - Giám đốc Điều hành iHouzz Platform (sàn thương mại BĐS đầu tiên tại Việt Nam), mặc dù được đánh giá là vô cùng tiềm năng nhưng thị trường môi giới BĐS thứ cấp vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho đội ngũ môi giới cũng như cơ quan quản lý.

Chuyên gia bất động sản Tô Bá Lâm chia sẻ những bất cập của thị trường môi giới BĐS thứ cấp. Ảnh Đỗ Doãn
Chuyên gia bất động sản Tô Bá Lâm chia sẻ những bất cập của thị trường môi giới BĐS thứ cấp. Ảnh Đỗ Doãn

Cụ thể, các thông tin về sản phẩm BĐS cũng như thông tin mua bán giao dịch BĐS hiện nay còn nhiều vấn đề chưa minh bạch. Chẳng hạn giá trị giao dịch BĐS được ghi nhận trên giấy tờ pháp lý thấp hơn giá trị thực tế theo thoả thuận giữa người mua và người bán. Việc thanh toán phí môi giới được thực hiện qua các kênh không chính thống nên công ty BĐS không ghi nhận doanh thu và nhân viên môi giới BĐS không ghi nhận thu nhập…

Sự thiếu minh bạch trong thị trường môi giới thứ cấp gây ra nhiều hệ lụy cho cả cơ quan quản lý nhà nước, người môi giới và khách hàng. Nhà nước sẽ bị thất thu nhiều loại thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Môi giới gặp khó khăn trong việc bán hàng do thiếu kỹ năng và thông tin. Đó là chưa kể rủi ro bị cắt phí hoa hồng khi người mua và người bán giao dịch trực tiếp. Trong khi đó, khách hàng lại tốn nhiều thời gian và công sức trong việc mua và bán BĐS.

Trước thực trạng này và để lành mạnh hóa thị trường môi giới thứ cấp, nhiều biện pháp đã được Chính phủ đề ra. Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương giúp hoàn thiện cơ chế xác định giá BĐS, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường BĐS, gồm cả thị trường quyền sử dụng đất. Hay Nghị quyết số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định môi giới phải có chứng chỉ hành nghề và đơn vị kinh doanh dịch vụ BĐS phải đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) theo quy định. Tất cả những quy định này phần nào đã góp phần giúp thị trường môi giới thứ cấp minh bạch hơn.

‘‘Tuy nhiên, để tất cả các khâu vận hành trơn tru, thống nhất với nhau, rất cần một nền tảng BĐS có thể liên kết các dịch vụ bổ trợ xung quanh giao dịch mua - bán BĐS thứ cấp. Bởi việc sử dụng các nền tảng BĐS để liên kết các dịch vụ bổ trợ là hướng đi tất yếu giúp minh bạch hóa thị trường BĐS và đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho tất cả các bên: khách hàng, nhân viên môi giới và Nhà nước” - ông Tô Bá Lâm nhận định.

Các dự án cơ sở hạ tầng được triển khai đã tác động mạnh theo hướng tích cực đến thị trường BĐS như cao tốc Bắc Nam hoàn thành 58%; miền Bắc và miền Trung đẩy mạnh phát triển đường ven biển, đẩy mạnh phát triển cao tốc (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Bình Phước – TP. Hồ Chí Minh); miền Nam khởi công xây dựng Nhà ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành; đưa vào sử dụng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận…

Hướng dòng vốn đến người có nhu cầu ở thật sự

Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước có các động thái kiểm soát và chặt dòng tiền từ tín dụng vào thị trường BĐS nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ, giúp thị trường minh bạch cũng như tránh xảy ra bong bóng BĐS.

Đây là việc cần thiết để lành mạnh hóa thị trường BĐS, giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế. Động thái này còn góp phần thanh lọc được các nhà đầu tư và các DN có năng lực tài chính yếu kém hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn và kinh doanh tràn lan.

Các diễn giả chia sẻ giải pháp hướng dòng vốn hiệu quả vào thị trường bất động sản. Ảnh Đỗ Doãn
Các diễn giả chia sẻ giải pháp hướng dòng vốn hiệu quả vào thị trường bất động sản. Ảnh Đỗ Doãn

Tuy nhiên, chủ trương siết tín dụng khiến người dân, nhà đầu tư, đặc biệt là DN BĐS khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Theo đề xuất của các chuyên gia tại buổi Tọa đàm Giải pháp khơi thông dòng vốn kinh tế - tài chính – BĐS vừa diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi và có những tác động tích cực đến sự tăng trưởng của thị trường BĐS như hiện nay, việc tiếp tục đa dạng hóa và hoàn thiện các kênh huy động vốn đầu tư BĐS cần là một trong những ưu tiên chính sách trong giai đoạn tới.

Cụ thể, đối với các kênh như tín dụng và phát hành trái phiếu, cần phân nhóm các phân khúc BĐS để có chính sách vốn phù hợp, có sự điều tiết hữu hiệu. Trái phiếu DN chào bán riêng lẻ cần quy định xếp hạng tín nhiệm, tức đánh giá độc lập của bên thứ ba về mức độ rủi ro của trái phiếu DN.

Trong khi đó, cần đẩy mạnh cho vay đối với các DN có năng lực tài chính tốt, sớm có sản phẩm BĐS đưa ra thị trường trong một thời gian phù hợp; đồng thời, cung cấp vốn tín dụng cho dự án đang trong quá trình thực hiện và chuẩn bị đưa sản phẩm BĐS cung cấp cho thị trường.

Đây là điều cần thiết và quan trọng bởi nếu nguồn cung BĐS không đáp ứng được sự gia tăng của nhu cầu sẽ đẩy giá tăng lên và tạo ra rất nhiều hệ lụy.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất cung cấp vốn vay cho những người có nhu cầu ở thực, đặc biệt là những người mua nhà lần đầu. Điều này không hề trái với mong muốn thanh lọc, làm cho thị trường BĐS giảm bớt nhà đầu cơ, mà còn hỗ trợ được cho người có nhu cầu thực, cần vốn tín dụng thực./.

Những chủ trương, chính sách, pháp luật về kinh doanh BĐS như: Nghị quyết 18-NQ/TW, về thuế suất, giao đất, giao dịch BĐS; tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS; kiểm soát phân lô tách thửa tại các tỉnh thành như Hà Nội, Đồng Nai, Cần Thơ... có hiệu lực được kỳ vọng sẽ làm lành mạnh và minh bạch hơn các hoạt động mua bán BĐS.

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam