Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn

06:05 | 06/07/2022 Print
(TBTCO) - Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra ngày 4/7, các ý kiến nêu tại hội nghị đã thống nhất với kịch bản tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 7% trong năm nay. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để tổng hợp, xây dựng Đề án bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động cập nhật các kịch bản tăng trưởng.

Hoàn thành 72,6% số nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết 01/NQ-CP trong quý II cơ bản đáp ứng yêu cầu, hoàn thành 72,6% số nhiệm vụ được giao. Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là rất đáng ghi nhận; kinh tế tiếp tục phục hồi đồng đều trên tất cả các ngành, lĩnh vực,...

Tuy nhiên, nước ta vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về lạm phát, nguồn cung nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, mặt bằng lãi suất, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thiếu hụt lao động cục bộ, dịch bệnh… tiềm ẩn rủi ro đến phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7%, cao hơn mức phấn đấu cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6 - 6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã nhấn mạnh các bài học kinh nghiệm như bám sát thực tiễn, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, phối hợp đồng bộ trong tổ chức thực hiện… Lãnh đạo nhiều địa phương nhắc lại việc Thủ tướng Chính phủ đã tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần để làm việc với các địa phương, kiểm tra, đôn đốc các dự án, giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc, xác định các định hướng chiến lược, tạo cơ hội, không gian phát triển mới cho các địa phương và các vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt của trung ương với đồng bằng sông Cửu Long trong nhiệm kỳ này, nhất là việc triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông chiến lược trong vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết qua tiếp xúc, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá rất cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ngày càng sáng tạo, sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, nhiều chính sách mới được ban hành, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, đóng góp quan trọng của các bộ, ngành, địa phương vào kết quả chung, trong đó nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt tăng trưởng cao, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý tình hình thế giới còn tiềm ẩn nhiều biến động và rủi ro, tác động tới Việt Nam như giá cả xăng dầu, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ…

Thực hiện các chính sách hỗ trợ đạt trên 48.000 tỷ đồng

Về các chính sách hỗ trợ tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau hơn 5 tháng triển khai, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra; ban hành gần như đầy đủ các văn bản để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ hầu hết đạt kết quả tốt, đạt trên 48 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đạt 8.888 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng; miễn giảm thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng.

Đánh giá nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm là rất nặng nề, Thủ tướng cho biết tinh thần chỉ đạo chung là tuyệt đối không chủ quan, lơ là, luôn giữ vững nguyên tắc cơ bản nhưng chủ động, linh hoạt, sáng tạo, biến nguy thành cơ, tận dụng tốt cơ hội để phát triển bền vững. “Thông điệp chính là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn hiện nay” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để tổng hợp, xây dựng Đề án bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động cập nhật các kịch bản tăng trưởng. Trong đó, Thủ tướng nêu rõ thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn và thận trọng, bảo đảm ổn định tỷ giá, lãi suất, thị trường ngoại hối, tiền tệ, tín dụng, tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

Cùng với đó, ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, như phí, thuế, lệ phí, tăng đầu tư công…, tích cực báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh thuế đối với xăng dầu. Nghiên cứu, tiến hành thận trọng chính sách hỗ trợ về xăng dầu với một số đối tượng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, quy hoạch, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết về phát triển vùng và các dự án giao thông trọng điểm; khẩn trương xây dựng Đề án huy động nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển; danh mục các dự án thuộc Chương trình phục hồi, phát triển trong lĩnh vực y tế…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu

Ngay sau khi Chính phủ có tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng ngày 5/7, UBTVQH họp xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Trước đó, ngày 4/7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết sau khi được Chính phủ thông qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký tờ trình báo cáo UBTVQH về dự thảo nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn.

Tại tờ trình, Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 như sau: thuế bảo vệ môi trường với xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; với nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; với dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; với dầu hỏa thì vẫn giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Theo tính toán, nếu được quyết định và áp dụng từ 1/8/2022, ước tính mức giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ giảm thuế bảo vệ môi trường cùng với thuế giá trị gia tăng là khoảng 7.000 tỷ đồng. Việc áp dụng hai nghị quyết khác của UBTVQH về giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đang triển khai từ đầu năm cũng làm sẽ giảm thu khoảng 25.538 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức giảm thu NSNN khi thực hiện tất cả các giải pháp này là khoảng 32.538 tỷ đồng trong năm 2022.

Cùng với đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Bộ Tài chính cũng đã chủ động các phương án khác nữa về chính sách thuế với mặt hàng xăng dầu, bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.

Hoàng yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam