Thị trường chứng khoán cuối năm 2022: Cân nhắc yếu tố rủi ro, đừng quên những yếu tố xúc tác

10:44 | 06/07/2022 Print
(TBTCO) - Thị trường chứng khoán Việt Nam có nửa đầu năm diễn biến không như mong đợi. Trong nửa cuối năm, thị trường vẫn còn đối mặt với những rủi ro hiện hữu, đặc biệt là tính khó lường từ ngoại biên. Tuy nhiên, thị trường đang có nhiều yếu tố nội tại rất thuận lợi, kỳ vọng sẽ là chất xúc tác lớn hỗ trợ thị trường hồi phục tích cực hơn.

Thị trường không như kỳ vọng nửa đầu năm

Nhìn lại thị trường chứng khoán (TTCK) 6 tháng đầu năm 2022, sau khi đạt mức cao lịch sử tại 1.528,6 điểm vào ngày 6/1/2022, chỉ số VN-Index đã giảm mạnh trong những tháng tiếp theo. Tâm lý tiêu cực lan rộng khiến chỉ số VN-Index giảm xuống 1.197,6 điểm, giảm -20,5% so với đầu năm (vào ngày 30/6/2022). Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng giảm mạnh, khi HNX-Index và UPCoM-Index cũng giảm lần lượt hơn 40% và hơn 23%.

Theo các chuyên gia, TTCK trong nước giảm mạnh là do tác động chung của tình hình kinh tế và chứng khoán toàn cầu. Nổi bật nhất là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; đồng thời, căng thẳng Nga – Ukraine khiến lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại do lạm phát cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và tình trạng tài chính toàn cầu thắt chặt. Ngoài ra, một số thông tin vụ việc về các lãnh đạo doanh nghiệp trong nước dính vòng lao lý đã có ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Cùng với diễn biến không tích cực của VN-Index, thanh khoản thị trường sụt giảm kể từ tháng 12/2021, tuy nhiên giá trị giao dịch bình quân 6 tháng 2022 vẫn cao hơn so với 6 tháng năm 2021.

Nguồn: VNDS
Nguồn: VNDS

Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), tổng thanh khoản trên 3 sàn tăng 13,4% so với cùng kỳ lên 25.844 tỷ đồng/phiên trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, giá trị giao dịch hàng ngày trên HOSE và UPCoM tăng lên lần lượt là 21.701 tỷ đồng/phiên (tăng 15,4% so với cùng kỳ) và 1,520 tỷ đồng/phiên (tăng 25,4% so với cùng kỳ); trong khi đó, giá trị giao dịch hàng ngày trên HNX giảm xuống còn 2.623 tỷ đồng/phiên (giảm 5,3% so với cùng kỳ).

Cũng theo số liệu từ VNDIRECT, trong 6 tháng đầu năm 2022, hầu hết các ngành (trừ ngành thép và ngân hàng) đều có thanh khoản tăng đột biến. Trong số đó, ngành hóa chất (tăng 134% so với cùng kỳ) có dòng tiền đổ vào nhiều nhất do giá phốt pho và phân bón tăng cao, xuất phát từ tình hình địa chính trị ở Ukraine. Các ngành khác thu hút dòng tiền bao gồm xây dựng (tăng 99%), bán lẻ (tăng 89%), điện (tăng 74%), khí đốt (tăng 59%), vận tải (tăng 56% ), bất động sản (tăng 28%), dầu mỏ (tăng 23%), chứng khoán (tăng 9%),… Ở chiều ngược lại, dòng tiền rời khỏi ngành ngân hàng và ngành thép với thanh khoản giảm lần lượt 37% và 18% so với cùng kỳ.

Lạc quan một cách thận trọng

Bất chấp diễn biến không tích cực trong 6 tháng đầu năm 2022, các chuyên gia của VNDIRECT vẫn lạc quan một cách thận trọng về triển vọng TTCK trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Các chuyên gia của VNDIRECT cũng đưa ra các yếu tố hỗ trợ và rủi ro có thể tác động tới TTCK trong những tháng cuối năm này.

Theo đó, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện trong nửa cuối năm nay. Các chuyên gia này giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,1% so với cùng kỳ vào năm 2022 (tăng trưởng GDP có thể đạt 7,8% trong 6 tháng cuối năm 2022).

Cùng với đó, việc Chính phủ đẩy nhanh thực hiện gói kích thích kinh tế, bao gồm gói cấp bù lãi suất và thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công cũng sẽ hỗ trợ cho thị trường từ nay tới cuối năm.

Giao dịch khối ngoại đã tích cực hơn nhiều

Khối ngoại đã giảm dần giá trị bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ đầu năm 2022 và đảo vị thế sang mua ròng kể từ tháng 4. Trong nửa đầu năm 2022, giá trị mua ròng của khối ngoại đạt 3.470 tỷ đồng, tích cực hơn nhiều so với việc bán ròng 62 nghìn tỷ đồng trong năm 2021. Giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại phần lớn là do dòng vốn ETF. Điều này cho thấy bối cảnh vĩ mô cũng như định giá thị trường chứng khoán đang hấp dẫn trong mắt những nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng theo phân tích của các chuyên gia này, mức chênh lệch giữa lợi suất thu nhập của thị trường Việt Nam và lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng thương mại đang được nới rộng, hàm ý rằng thị trường hiện tại có thể đang bị định giá thấp. Trong kịch bản cơ sở, VNDIRECT kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.330 - 1.500 điểm trong năm 2022; với P/E (giá/lợi nhuận một cổ phiếu) mục tiêu cho năm 2022 là 12,5 - 14 lần. Định giá của TTCK Việt Nam đang chiết khấu trung bình khoảng 17% so với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng cao. Dự báo tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE có thể đạt 23% vào năm 2022 và 19% vào năm 2023. “Chúng tôi ước tính EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) thị trường sẽ duy trì ở tăng trưởng cao, bình quân khoảng 21% trong giai đoạn 2022 – 2023 - đây là yếu tố thúc đẩy xu hướng đi lên của thị trường trong dài hạn” – Chuyên gia của VNDIRECT cho hay.

Trong khi đó, TTCK những tháng cuối năm vẫn còn nhiều rủi ro hiện hữu. Cụ thể như, căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài hơn dự kiến và lệnh phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc gây thêm lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Mặt khác, mặc dù thị trường đã phản ánh một phần lộ trình tăng lãi suất của FED, tuy nhiên việc siết chặt hơn nữa có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường ở cả các thị trường phát triển và mới nổi. Ngoài ra, theo các chuyên gia của VNDIRECT, lạm phát cao hơn dự kiến của Việt Nam có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và khiến chính sách tiền tệ trở nên siết chặt hơn.

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam