Giải ngân vốn đầu tư công ngành Nông nghiệp: Tuân thủ pháp lý, đảm bảo chất lượng công trình

11:16 | 06/07/2022 Print
(TBTCO) - Để thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công, từ đầu năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quán triệt các đơn vị nhận diện rõ các vấn đề từ thiết kế, tư vấn, thi công, đảm bảo chất lượng công trình và tuân thủ về mặt pháp lý. Ông Nguyễn Hải Thanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN, về tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 của ngành Nông nghiệp.

PV: Xin ông cho biết một số kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong 6 tháng đầu năm?

Giải ngân vốn đầu tư công ngành Nông nghiệp: Tuân thủ pháp lý, đảm bảo chất lượng công trình
Ông Nguyễn Hải Thanh

Ông Nguyễn Hải Thanh: Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của Bộ NN&PTNT được giao là 6.438 tỷ đồng, trong đó, vốn trong nước (bao gồm cả vốn trái phiếu chính phủ) là 4.538 tỷ đồng, vốn ODA 1.900 tỷ đồng. Khối lượng giải ngân 6 tháng đầu năm đạt khoảng 23% kế hoạch, thấp hơn so với mức 35,9% đạt được của 6 tháng đầu năm 2021.

Bộ NN&PTNT đã quyết liệt trong vấn đề chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy nhanh kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, chúng tôi đã trực tiếp nhận diện tình hình trong những tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công của Bộ NN&PTNT không cao, chỉ ở mức độ dưới trung bình của cả nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả này.

Trước tiên, giai đoạn trung hạn 2016 - 2021, Bộ NN&PTNT chỉ còn 4 công trình (trong tổng số 49 dự án lớn) chậm tiến độ do tính phức tạp và vướng mắc về khâu giải phóng mặt bằng…, các dự án này Thủ tướng Chính phủ đã cho gia hạn kéo dài. Còn lại, các dự án đã cơ bản hoàn thành, đã phát huy hiệu quả đầu tư, đưa vào sử dụng, số lượng vốn cho các công trình cũng không lớn, mục đích là hoàn thiện trong năm 2022.

Đáng chú ý trong giai đoạn này, phần lớn các dự án của Bộ đều chuẩn bị đầu tư mới nằm trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025. Đối với các dự án mới sẽ phải có thời gian để khảo sát, thiết kế và phê duyệt các giai đoạn; hiện các dự án này đang ở bước khảo sát thiết kế và đấu thầu. Trung bình thời gian khảo sát, thiết kế cũng mất từ 3 - 4 tháng cho mỗi giai đoạn, để đảm bảo về chất lượng, tiến độ công trình. Kinh phí cho khảo sát, thiết kế rất quan trọng, tuy nhiên lượng vốn cho khảo sát, thiết kế lại chỉ chiếm 10 - 12% trong tổng mức đầu tư. Lượng vốn cần giải ngân lớn chủ yếu ở phần xây lắp, thi công. Vì vậy, cuối quý III và quý IV, các hồ sơ đấu thầu hoàn thiện, khi đi vào xây dựng, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng rất nhanh.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồ họa: Hồng Vân

Sau khi nhận diện nhóm vấn đề trên, Bộ NN&PTN đã tập trung các chuyên gia giỏi để khảo sát thiết kế, đảm bảo các dự án phải có chất lượng tốt nhất. Chính vì vậy, Bộ đã có kế hoạch và ghi nhận trong vấn đề tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết 30/6/2022 chỉ đạt khoảng 23%, nhưng đến cuối năm, giải ngân của Bộ NN&PTNT sẽ đạt trên 90% (vốn trong nước 95%, vốn nước ngoài khoảng 78%) kế hoạch. Cơ sở của kết quả này là những dự án có khả năng khởi công trong năm 2022 như một loạt dự án ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; một số hệ thống kênh đã có đầu mối từ giai đoạn trước như Hệ thống kênh mương hồ Ea H'leo 1 (Đắk Lắk); Dự án hệ thống thủy lợi Nà Sản (Sơn La)…

PV: Trong thực hiện đầu tư công, thách thức lớn được đặt ra trong việc giải ngân vốn đầu tư vốn ODA, bởi tiến độ nguồn vốn này năm nào cũng chậm. Phía Bộ NN&PTNT, các dự án này đang được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Thanh: Đến thời điểm này giải ngân vốn ODA của Bộ NN&PTNT, đạt 19% kế hoạch năm và cao so với với các bộ khác. Tuy nhiên, hiện có những quy định khá ngặt nghèo và ràng buộc nhiều thủ tục, nhiều cơ quan khác nhau nên việc thực hiện các dự án ODA gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, có một số dự án về xây dựng trường đào tạo nghề, hồ sơ Bộ NN&PTNT đã làm việc xong với Bộ Tài chính nhưng còn chờ bộ khác (cùng trách nhiệm trong thực hiện) tổ chức đấu thầu. Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Bộ Tài chính tách hồ sơ, trường hợp nào hồ sơ đã làm xong, thì cho phép bố trí vốn để triển khai kịp tiến độ, không chờ thủ tục làm ảnh hưởng đến kết quả chung.

Mỗi năm, ngành Nông nghiệp phải giải ngân 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ này đã hoàn thành 246/288 dự án đầu tư công, với tỷ lệ giải ngân đạt ở mức cao khoảng 86,7%, trong đó vốn trong nước đạt 95,6%, vốn ODA đạt 64,8%. Để thúc đẩy ngành Nông nghiệp khai thác hết tiềm năng, trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, nguồn vốn đầu tư dành cho ngành Nông nghiệp tăng 30% so với giai đoạn 2016 - 2020. Vốn vay ODA cũng tăng gấp đôi. Do đó, mỗi năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải giải ngân 20.000 tỷ đồng. Tính trong 3 năm (2023 - 2025), toàn ngành phải tiêu hết khoảng 60.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số dự án sau khi rà soát cho thấy giá nguyên vật liệu tăng quá lớn đã tác động mạnh đến việc thực hiện dự án, như dự án của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Bến Tre vượt cả tổng mức đầu tư. Vì vậy, Bộ sẽ phải làm việc với JICA và báo cáo Thủ tướng Chính phủ…

Như vậy, Bộ NN&PTNT xác định giải ngân vốn ODA năm 2022 sẽ cố gắng đạt 78 - 79% kế hoạch.

PV: Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, hiện Chính phủ đã yêu cầu gắn trách nhiệm người đứng đầu vào công tác giải ngân nguồn vốn vốn này. Bộ NN&PTNT đã thực như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Thanh: Với Bộ NN&PTNT, không phải năm nay mà các năm trước đây đã thực hiện gắn trách nhiệm người đứng đầu vào công tác giải ngân vốn đầu tư công trên cơ sở đánh giá về năng lực, chất lượng, tiến độ giải ngân và bám sát theo từng tháng các kết quả đạt được của người đứng đầu để từng quý đánh giá và đến cuối năm sẽ bình bầu. Trong những trường hợp không hoàn thành mà có lý do chính đáng về mặt khách quan thì lúc đó sẽ xem xét, còn những trường hợp không có lý do chính đáng thì bộ sẽ có những hình thức kỷ luật phù hợp và luân chuyển cán bộ.

Ví dụ, một số chủ đầu tư không đạt tiến độ vào cuối năm thì sẽ không cho làm chủ đầu tư vào những năm tiếp theo do đã được cảnh báo qua các cuộc họp giao ban của lãnh đạo Bộ chỉ ra từng nhóm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, đối với những nhóm chủ đầu tư giải ngân rất tốt, làm việc rất hiệu quả thì cũng đề nghị có hình thức khen thưởng xứng đáng, điều đó sẽ gắn với quyền lợi của chủ đầu tư…

PV: Xin cảm ơn ông!

Đề xuất cơ chế bố trí vốn linh hoạt theo từng dự án, từng thời điểm

Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ khởi công xây dựng 127 dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó phần lớn là các công trình thủy lợi, hồ chứa, cảng cá... Ngoài ra, còn 2 dự án nhóm A đã trình Thủ tướng và đang chờ phê duyệt. Bộ sẽ tập trung kỹ lưỡng hơn vào khâu chuẩn bị dự án và tư vấn thiết kế.

Để đảm bảo đầu tư công hiệu quả, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung vào các dự án với đa mục tiêu, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những chủ đầu tư chậm tiến độ, kiên quyết không thực hiện những dự án có hiệu quả kém. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đề xuất cơ chế bố trí vốn linh hoạt theo từng dự án, từng thời điểm. Với những dự án có sự góp vốn của địa phương, Bộ sẽ tính toán không để vốn góp dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án tăng lên, hoặc thiếu vốn gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Bộ NN&PTNT cũng đang phấn đấu quản lý vốn đầu tư công theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp và theo đúng mục tiêu của Chính phủ. Bộ cũng chỉ rõ từng thời kỳ, giai đoạn nào, kết quả ra sao và có minh chứng để chứng minh những điều đó.

Hà Hạnh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam