JICA hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn

16:02 | 06/07/2022 Print
(TBTCO) - Dưới tác động của Covid-19, kinh tế tuần hoàn sẽ là một công cụ mạnh mẽ để có thể phục hồi nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường. Để xây dựng kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn, cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân và cần lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên đưa vào kế hoạch hành động.

Ngày 6/7, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức hội thảo tổng kết “Kinh nghiệm và đề xuất chính sách của Nhật Bản cho công tác xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”.

JICA hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn
Ông Murooka Naomichi - Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam phát biểu tại sự kiện. Ảnh: JICA

Hội thảo chia sẻ kết quả của “Khảo sát của JICA về nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”, được thực hiện từ tháng 1/2022.

Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia Nhật Bản đã trình bày kết quả nghiên cứu, cùng các khuyến nghị về việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn cho Bộ TNMT và Chính phủ Việt Nam, nhằm xác định lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Ông Adachi Ichiro - Chuyên gia quản lý môi trường của JICA tại Bộ TNMT, đã chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế tuần hoàn của Nhật Bản.

Dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc phát triển khung chính sách kinh tế tuần hoàn, từ luật cơ bản đầu tiên tập trung vào khái niệm về một xã hội tuần hoàn vật chất được ban hành năm 1999, đến tầm nhìn của kinh tế tuần hoàn xây dựng vào năm 2020, ông Adachi cho rằng, để xây dựng kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn, cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân và cần lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên đưa vào kế hoạch hành động.

Trước đây, JICA đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ trong công tác quản lý chất thải tại Việt Nam, thông qua thúc đẩy mô hình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) và phân loại rác thải tại nguồn. Ông Murooka Naomichi - Phó Trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam cho biết, JICA sẽ tăng cường hợp tác với Bộ TNMT để thiết lập nền tảng pháp lý và định hướng chính sách vững chắc nhằm triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Theo TS. Mai Thế Toản - Phó Viện trưởng ISPONRE, Nhật Bản là quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực xử lý các vấn đề môi trường. Trong vấn đề kinh tế tuần hoàn, Nhật Bản đã có nhiều chính sách quan trọng. Ông khẳng định, kết quả khảo sát của JICA sẽ rất hữu ích cho việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn sắp tới và bày tỏ hy vọng JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ TNMT trong việc xây dựng dự án hợp tác kỹ thuật về kinh tế tuần hoàn, tập trung vào công tác quản lý chất thải bền vững.

Kinh tế tuần hoàn được định nghĩa là một giải pháp có hệ thống, giúp giải quyết các khủng hoảng toàn cầu như biến đổi khí hậu, chất thải nhựa và ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, dưới tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế tuần hoàn sẽ là một công cụ mạnh mẽ để có thể phục hồi nền kinh tế và xã hội theo hướng thân thiện với môi trường.

Nhằm xây dựng một khung chính sách chặt chẽ để chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính hiện nay sang nền kinh tế tuần hoàn sau khi Luật Bảo vệ môi trường mới có hiệu lực vào tháng 1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP, công bố các quy định cụ thể về việc thực hiện nền kinh tế tuần hoàn và xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn.

Từ năm 1999, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng chính sách tầm nhìn về kinh tế tuần hoàn, cập nhật lần thứ 2 vào năm 2020. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành đạo luật cơ bản về thiết lập xã hội tuần hoàn - vật chất an toàn vào năm 2000 và phát triển các kế hoạch cơ bản để thiết lập xã hội tuần hoàn - vật chất an toàn.

Hà My

© Thời báo Tài chính Việt Nam