Ưu tiên xây dựng chính sách pháp luật về tài chính

08:28 | 07/07/2022 Print
(TBTCO) - 6 tháng đầu năm 2022, đối với Bộ Tài chính, công tác xây dựng pháp luật về tài chính vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cũng như hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Xây dựng nền tài chính quốc gia bền vững, hiện đại và hội nhập Bộ Tài chính liên tục kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tài chính luôn hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật với tỷ lệ cao

Đã ban hành 9 nghị định, 37 thông tư

Căn cứ chương trình công tác của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành 9 nghị định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định; đã ban hành theo thẩm quyền 37 thông tư.

Trong đó, một số chương trình, đề án quan trọng góp phần thúc đẩy, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội, như: Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ, trong đó, quy định nhiều trường hợp nhà, đất được miễn lệ phí trước bạ, bao gồm: đất nông nghiệp chuyển đổi quyền sử dụng giữa các hộ gia đình, cá nhân trong cùng xã, phường, thị trấn để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai..., miễn phí trước bạ đối với các trường hợp đất thuê của Nhà nước theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm hoặc thuê của tổ chức, cá nhân đã có quyền sử dụng đất hợp pháp...

Ưu tiên xây dựng chính sách pháp luật về tài chính
Bộ Tài chính luôn ưu tiên chính sách tài khóa vì dân. Ảnh: TL.

Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có hướng dẫn giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% từ ngày 1/02/2022 và chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tiếp đó, sang đầu tháng 4/2022, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; Nghị định số 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022.

Giảm đến 50% nhiều khoản phí, lệ phí

Thông tư quy định có 37 khoản phí, lệ phí được giảm với mức giảm từ 10 - 50% so với quy định hiện hành kể từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 30/6/2022 như: phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường; lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng; lệ phí giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng...

Đến tháng 5/2022, thực hiện các kế hoạch triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay.

Để các chương trình giảm phí, lệ phí được thực hiện liên tục, vào cuối năm 2021, thuộc thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 quy định mức thu một số một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Các chính sách tài chính vì dân, vì cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra đã được dư luận đánh giá cao. Với hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm, việc miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí đã tiếp thêm nguồn lực cho doanh nghiệp phục hồi.

Xây dựng thể chế vì một nền tài chính vững mạnh

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện công tác quản lý, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nhiều lĩnh vực như: ngân sách nhà nước, chính sách tài khóa, tài sản công, thị trường chứng khoán, bảo hiểm…

Do đó, Bộ Tài chính luôn nỗ lực để xây dựng các thể chế, chính sách, tạo điều kiện cho tài chính nhà nước - tài chính dân cư - tài chính doanh nghiệp phát triển, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Ưu tiên xây dựng chính sách pháp luật về tài chính
Cơ quan thuế, hải quan luôn đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa, hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: TL.

Trong trước mắt cũng như lâu dài, theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quản lý, điều hành tốt chính sách tài chính - ngân sách.

Nhắc đến công tác xây dựng thể chế của ngành Tài chính, người đứng đầu ngành Tài chính cho biết, số lượng ban hành các chính sách trong năm của Bộ Tài chính luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các quy định do các bộ, ngành ban hành.

Ví dụ như trong năm 2021, số lượng ban hành các nghị định của Bộ Tài chính chiếm 26% nghị định của Chính phủ ban hành (40/153 nghị định) và chiếm 20% tổng số thông tư các bộ, ngành ban hành.

Đây là số lượng các văn bản pháp luật hết sức lớn đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành Tài chính.

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 hơn 2 năm vừa qua, có rất nhiều chính sách đột xuất phát sinh, như các gói hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí cần phải thực hiện trong thời gian rất gấp, Bộ Tài chính vẫn đáp ứng tiến độ thực hiện với chất lượng tốt, đảm bảo yêu cầu đề ra.

Sửa đổi nhiều chính sách tài chính đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Trong thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực tài chính là hết sức nặng nề. Có rất nhiều chính sách quan trọng cần phải sửa đổi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn như Luật Ngân sách nhà nước, một số các luật về thuế, giá… sẽ được Bộ Tài chính thực hiện rà soát, xây dựng và hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền ban hành./.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam