Vẫn còn hiện tượng cho mượn, cho thuê tài sản công không đúng quy định

10:20 | 07/07/2022 Print
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác quản lý, sử dụng tài sản công một cách chủ động, đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực.

Sắp xếp lại, xử lý nhà, đất cơ bản đạt được mục tiêu đề ra

Đánh giá về công tác quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) 6 tháng đầu năm 2021, báo cáo từ Cục Quản lý Công sản - Bộ Tài chính cho biết, công tác sắp xếp trụ sở nhà, đất theo quy định tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện và đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra; qua đó đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng nhà, đất hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích.

Vẫn còn hiện tượng cho mượn, cho thuê tài sản công không đúng quy định
Bộ Tài chính tiếp tục đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC sau khi được nâng cấp vào vận hành để từng bước đáp ứng yêu cầu thông tin về TSC. Ảnh minh họa.

Đồng thời, việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất hợp lý đã tạo quỹ đất để đầu tư xây dựng, phát triển các công trình công cộng, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khách sạn, dịch vụ; chỉnh trang đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) và nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới một số trụ sở của các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp theo hướng hiện đại hóa.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 148 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương, trong đó, số cơ sở nhà, đất do doanh nghiệp nhà nước quản lý được phê duyệt là 26 cơ sở. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã phê duyệt 29.712 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các bộ, cơ quan trung ương, trong đó, số cơ sở nhà, đất do doanh nghiệp nhà nước quản lý được phê duyệt là 18.355 cơ sở.

Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng xe ô tô, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã tham gia ý kiến về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng theo thẩm quyền cho Bộ Nội vụ, Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xe ô tô chuyên dùng khác phục vụ nhiệm vụ đặc thù, theo quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ - CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô của một số bộ, ngành, địa phương.

Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã tiếp tục hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương cập nhật, rà soát, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC. Thực hiện dự án “Nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC” để từng bước mở rộng phạm vi TSC được cập nhật, quản lý trên Cơ sở dữ liệu. Bộ Tài chính đã hoàn thành việc thực hiện đào tạo diện rộng (đến đơn vị cấp 2) cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương để chính thức đưa vào vận hành từ tháng 1/2022.

Tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng phần mềm quản lý việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và nâng cấp phần mềm quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và phần mềm quản lý tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã phối hợp với các địa phương trong việc tập trung nguồn thu từ đất. Theo đó, lũy kế số thu từ đất trong 6 tháng đạt 129.409 tỷ đồng. Trong đó, tiền sử dụng đất 107.650 tỷ đồng, đạt 79,7% dự toán năm 2022; tiền thuê đất 19.996 tỷ đồng, đạt 80,9% dự toán năm 2022, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu tài chính NSNN 6 tháng đầu năm 2022.

Ưu tiên sắp xếp nhà, đất của các doanh nghiệp nhà nước

Mặc dù đã đạt được được một số kết quả nhất định, nhưng theo báo cáo từ Cục Quản lý công sản, việc quản lý, sử dụng TSC có đơn vị còn chưa chặt chẽ, qua rà soát của Bộ Tài chính vẫn còn hiện tượng cho mượn, cho thuê không đúng quy định.

Việc sắp xếp, xử lý nhà, đất của một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm. Việc chuyển đổi chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ, ngành sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện sắp xếp các cơ sở nhà, đất đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Hơn nữa, các bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSC. Việc cập nhật, rà soát, chuẩn hóa dữ liệu về TSC trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC còn chậm. Nguyên nhân được chỉ ra là do một số bộ, ngành chưa quyết liệt trong việc rà soát, sắp xếp xử lý TSC.

Tài sản công ngày càng được quản lý, sử dụng hiệu quả
Việc sắp xếp, sử lý lại nhà, đất đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, cho biết trong 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức đánh giá việc triển khai các văn bản quy định chi tiết thi hành để báo cáo cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện, bảo đảm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả nguồn lực từ TSC, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn định mức sử dụng xe ô tô, sử dụng TSC vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết.

Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp, xử lý nhà, đất là TSC, ưu tiên sắp xếp nhà đất của các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc danh mục cổ phần hóa và các trường hợp sắp xếp lại bộ máy tổ chức. Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm (nếu có) trong tổ chức xử lý TSC là nhà, đất.

Bộ Tài chính tiếp tục đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC sau khi được nâng cấp vào vận hành để từng bước đáp ứng yêu cầu thông tin về TSC phục vụ công tác báo cáo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có tài sản; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu về TSC; thực hiện chế độ báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng TSC; triển khai các thủ tục để thực hiện xây dựng phần mềm quản lý việc sắp xếp lại nhà, đất là TSC.

Ngoài ra, theo Cục trưởng Cục Quản lý công sản, các bộ, ngành, địa phương cũng cần khẩn trương rà soát lại danh mục tài sản mua sắm tập trung thuộc thẩm quyền ban hành; thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về quản lý, sử dụng TSC trong mua sắm tập trung và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Ban hành quy định về quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nghị định quy định việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước; nghị định quy định việc chuyển giao công trình điện là TSC sang Tập đoàn điện lực Việt Nam quản lý.

Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSC; nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 04/2019/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô; nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý và các văn bản hướng dẫn thi hành luật để báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam