Dư nợ tín dụng chính sách nửa đầu năm 2022 tăng hơn 25,5 nghìn tỷ đồng

17:10 | 07/07/2022 Print
(TBTCO) - Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt 286.619 tỷ đồng.

Nguồn vốn ủy thác từ địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 28.394 tỷ đồng, tăng 3.692 tỷ đồng so với năm 2021.

Dư nợ tín dụng chính sách nửa đầu năm 2022 tăng hơn 25,5 nghìn tỷ đồng
Dư nợ tín dụng chính sách nửa đầu năm 2022 tăng hơn 25,5 nghìn tỷ đồng. Ảnh: T.L
Các ngân hàng ký tín dụng 21 nghìn tỷ đồng cho 12 doanh nghiệp Thanh Hóa Tín dụng sẽ ảnh hưởng khi tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng bị "siết"?

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 273.541 tỷ đồng, tăng 25.571 tỷ đồng so với cuối năm 2021 với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được vay vốn.

Kết quả cho vay theo Nghị quyết 11 về phục hồi phát triển kinh tế

Đến ngày 30/6/2022, toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện tăng trưởng dư nợ các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (nghị quyết của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) là 8.896 tỷ đồng với hơn 213 nghìn khách hàng vay vốn.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 495,9 nghìn lao động, giúp hơn 3,1 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 12,8 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập.

Ngân hàng cũng đã giải ngân cho gần 65,6 nghìn hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính và thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; giúp gần 1,1 nghìn lượt doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh trả lương cho khoảng 155 nghìn người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; xây dựng gần 921 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 703 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn 4,4 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách…

Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,7%/tổng dư nợ; trong đó nợ quá hạn chiếm 0,2%./.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam