TP. Hà Nội: Gỡ nút thắt trong đấu giá đất

12:33 | 08/07/2022 Print
(TBTCO) - Hiện nay, công tác đấu giá đất trên địa bàn TP. Hà Nội còn chậm do nhiều nguyên nhân. Vì vậy, TP. Hà Nội đang đề ra một số giải pháp ngắn hạn nhằm giải quyết “điểm nghẽn” trong công tác này.

Thu đấu giá quyền sử dụng đất mới đạt gần 25% kế hoạch

Tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. Hà Nội khóa XVI diễn ra từ ngày 5 - 8/7/2022, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội Bùi Duy Cường cho biết, việc tập trung đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thêm nguồn lực cho thành phố để đầu tư xây dựng hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế tại các địa phương.

TP. Hà Nội: Gỡ nút thắt trong đấu giá đất
Nguồn: UBND TP. Hà Nội Đồ họa: Thế Dương

Năm 2022, kế hoạch thành phố giao chỉ tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất là 12.450 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến 30/6, các đơn vị đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 33 dự án, với tổng diện tích khoảng 5,87ha và thành phố mới thu được khoảng 3.106 tỷ đồng từ đấu giá đất, đạt gần 25% kế hoạch năm. Cùng với đó, kế hoạch thu tiền sử dụng đất của thành phố cũng chỉ đạt hơn 29%, tương ứng 5.845 tỷ đồng; thu tiền thuê đất đạt hơn 20,49%, tương ứng 1.127 tỷ đồng. Như vậy, tiến độ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 thực hiện chậm hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Theo lý giải của TP. Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tổ chức đấu giá đất còn chậm, chưa đạt kết quả cao. Thứ nhất, pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai còn nhiều nội dung chưa đồng bộ, thống nhất, dẫn đến khó khăn trong thực hiện như chưa quy định rõ việc thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất thuộc trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; việc ứng vốn giải phóng mặt bằng thực hiện theo Luật Đầu tư công, Luật Đất đai không đồng nhất…

Sẽ đấu giá 1.084,82 ha đất

Theo UBND TP. Hà Nội, giai đoạn 2011 - 2021, trên địa bàn thành phố đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 1.708 dự án với tổng diện tích 3,177 triệu m2, thu về cho ngân sách hơn 59.423 tỷ đồng. Số tiền trúng đấu giá góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất, tăng nguồn thu cho ngân sách. Dự kiến trong giai đoạn 2022 - 2023, Hà Nội sẽ đấu giá 1.084,82 ha đất và số tiền trúng đấu giá khoảng 104.000 tỷ đồng; trong đó, riêng năm 2022, sẽ đấu giá 507 dự án với tổng diện tích đất 422,07 ha.

Đáng chú ý, trên địa bàn, các công ty tư vấn thẩm định giá đều e ngại hoặc từ chối tham gia xác định giá đất (khởi điểm) vì sợ rủi ro liên quan đến pháp luật. Bên cạnh đó, phương pháp xác định giá cụ thể (giá khởi điểm đấu giá) phải thu thập nhiều thông tin tài sản so sánh, tuy nhiên, thị trường giao dịch bất động sản chưa minh bạch, giao dịch bất động sản không quy định phải qua ngân hàng và chưa có quy định cụ thể về quản lý giá chuyển nhượng bất động sản, nên giá giao dịch thực chưa thể hiện đầy đủ tại các hợp đồng mua bán.

Ngoài ra, nhiều loại đất, khu vực không có thông tin chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc điều chỉnh sự khác biệt giữa tài sản so sánh, nhiều chỉ tiêu tính toán chi phí phát triển chưa được hướng dẫn chi tiết cụ thể… Không những vậy, các quận, huyện, thị xã tổ chức đấu giá thận trọng cầu toàn nên chậm tiến độ thực hiện.

Đẩy nhanh tiến độ thủ tục hành chính về đấu giá quyền sử dụng đất

Số liệu từ Sở TN&MT cho thấy, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 143 dự án/khu đất, tổng diện tích 87,6ha đã được thành phố quyết định giao đất đang thiết lập hồ sơ, chuẩn bị điều kiện để tổ chức đấu giá theo quy định.

Để đẩy mạnh công tác đấu giá đất, tăng nguồn thu cho ngân sách trong thời gian tới, ông Bùi Duy Cường nhấn mạnh, UBND TP. Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thủ tục hành chính về đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Trong đó, tập trung hoàn thành nhanh thủ tục xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất theo phân cấp, ủy quyền; thực hiện các quy trình thủ tục đấu giá đảm bảo công khai, minh bạch.

Người tham gia đấu giá đất phải nộp tiền đặt trước bằng 20% giá khởi điểm

TP. Hà Nội vừa áp dụng quy định mới về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn thành phố. Theo Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2020/QĐ-UBND ngày 18/11/2020 của UBND TP. Hà Nội, người tham gia đấu giá đất phải nộp tiền đặt trước (đặt cọc) bằng 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 13/6/2022. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc UBND TP. Hà Nội điều chỉnh một số quy định trong đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt ban hành những chế tài mạnh, đủ sức răn đe là rất cần thiết nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai.

Thành phố cũng sẽ thường xuyên kiểm tra hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện các thủ tục tổ chức đấu giá; đôn đốc các địa phương khẩn trương thu nghĩa vụ tài chính, thu tiền sau khi trúng đấu giá để kịp thời nộp ngân sách theo tiến độ.

UBND TP. Hà Nội cũng kiến nghị với trung ương một số chính sách để đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có nội dung cho phép Hà Nội được áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất mà không phải thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể.

Tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, nhiều ý kiến cho rằng, kết quả trúng đấu giá phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản, vì thế thời điểm duyệt giá sàn rất quan trọng để bảo đảm mức thu cao cho ngân sách. Do vậy, các địa phương đề nghị, thời gian tới UBND TP. Hà Nội cần có sự chỉ đạo quyết liệt về nội dung liên quan đến thời điểm chốt giá sàn, bảo đảm hiệu quả đấu giá đất ở mức tối ưu.

Hà Nội chấn chỉnh hoạt động đấu giá tài sản

Để hoạt động đấu giá tài sản, đấu giá đất được minh bạch, tránh thất thu ngân sách, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện quy định pháp luật về đấu giá.

Theo đó, TP. Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính Hà Nội và các sở, ngành có liên quan tham mưu việc xác định giá khởi điểm quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản để đưa ra đấu giá, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, sát với giá thị trường. Đồng thời, chủ động lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành có liên quan đối với phương án đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản do sở dự thảo để hoàn thiện trước khi trình UBND TP. Hà Nội ban hành.

Sở TN&MT Hà Nội tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong việc đưa quyền sử dụng đất ra đấu giá của UBND các quận, huyện, thị xã, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm, tiếp tay, bao che đối với vi phạm về thẩm định giá, đấu giá… Sở Tư pháp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, cung cấp thông tin về tổ chức hành nghề đấu giá đến các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp, theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản theo thẩm quyền…

TP. Hà Nội yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND thành phố trong tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản công trên địa bàn theo thẩm quyền.

Thành phố cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hà Nội rà soát hoạt động cho vay vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng để nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố, kịp thời phát hiện; chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cho vay vốn…

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam