13 vụ trốn thuế tai tiếng nhất trong lịch sử

09:13 | 21/12/2014 Print
2014 là năm của các vấn đề về gian lận thuế khi mà rất nhiều chính phủ đều công bố sẽ áp dụng những biện pháp “chưa từng có” để chống lại việc trốn thuế của các cá nhân và doanh nghiệp.

Nhiều quốc gia vốn được coi là thiên đường thuế đã ký thỏa thuận với nhiều nước khác, cấp cho những nước này quyền truy cập thông tin chi tiết của chủ tài khoản (với một khoản thế chấp) với mục đích điều tra trốn thuế.

Nhiều báo cáo khác nhau đã ước tính hàng năm số tiền trốn thuế trên toàn cầu đã lên đến hàng chục tỉ USD. Dưới đây là 13 ví dụ về hành vi trốn thuế tai tiếng nhất trong lịch sử.

13. Jose Socrates

13. Jose Socrates

Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, Jose Socrates trở thành nhà lãnh đạo chính phủ đầu tiên bị buộc tội trốn thuế và đã chính thức bị bắt giữ vào tháng trước tại Lisbon. Ông đang bị cáo buộc và điều tra về các hành vi trốn thuế và rửa tiền. Nghi ngờ bắt đầu nảy sinh khi một trong những ngân hàng lớn nhất nước này bị chú ý bởi những lệnh chuyển khoản bất thường với những số tiền cực lớn.

12. Deutsche Bank

12. Deutsche Bank

Deutsche Bank là ngân hàng mới nhất bị cáo buộc trốn thuế hôm 8/12 tại một tòa án ở New York. Các nhà chức trách Hoa Kỳ đang tìm cách thu lại số tiền 200 triệu USD mà Ngân hàng này nợ thuế, tiền phạt và số lãi tích lũy trên nhiều giao dịch mà Deutsche Bank thực hiện với các “công ty vỏ bọc” từ đầu năm 2000. Ngoài ra, Ngân hàng Đức này cũng đang bị điều tra trốn thuế tại quê nhà.

11. Walter Anderson

11. Walter Anderson

Khi bị kết án vào năm 2007, Walter Anderson là người bị buộc tội trốn thuế cá nhân lớn nhất ở Mỹ. Ông bị kết tội không nộp tổng cộng 200 triệu USD tiền thuế thông qua việc giấu diếm lợi nhuận tại một số tài khoản ở ngân hàng nước ngoài.

Anderson là một nhân vật của công chúng khi đã cố gắng cứu trạm không gian của Nga là Mir trước khi nó bị phá hủy khi nhập lại vào bầu khí quyển trái đất. Ông vẫn ở tù cho tới cuối năm 2012 và bị tòa án Mỹ tuyên phạt nộp hơn 247 triệu USD tiền thuế chưa thanh toán và các khoản phạt.

10. Volkswagen

10. Volkswagen

Volkswagen là hãng xe hơi có lợi nhuận khủng nhất tại Đức nhưng ít nhất một phần trong số đó là nhờ các thỏa thuận ưu đãi về thuế. Nhờ công ty con của mình tại Bỉ, Volkswagen Group Services đã không phải trả một đồng thuế nào tại nước này.

Năm 2012, Tập đoàn này đã không phải nộp thuế cho số lợi nhuận lên đến hơn 153 triệu euro (191 triệu USD). Con số của năm 2011 là 141 triệu euro. Điều đáng nói là thỏa thuận thuế này cho đến nay vẫn là hợp pháp và chỉ thay đổi cho đến khi nào EU thực hiện các kế hoạch cải cách hệ thống thuế của mình.

9. Starbucks

9. Starbucks

Trong suốt 15 năm kinh doanh tại Anh, Starbucks chỉ đóng có 8,6 triệu bảng anh tiền thuế dù doanh thu của chuỗi cửa hàng cà phê Mỹ này chỉ riêng năm ngoái thôi đã lên tới 400 triệu bảng. Dưới áp lực của dư luận, năm nay Starbucks đã chấp nhận trả thuế 5 triệu bảng (8 triệu USD).

Mánh khóe mà công ty này dùng để lách luận là kê khai các khoản phí như tiền bản quyển cho một công ty con ở Hà Lan, tiền mua hạt cà phê từ Thụy Sĩ và cho vay vốn các bộ phận khác của công ty.

8. AbbVie

8. AbbVie

Tháng 7 vừa qua, công ty dược phẩm Mỹ AbbVie đã đưa ra lời chào mua công ty Shire có trụ sở tại Anh. Động thái này nhằm mục đích tận dụng lỗ hổng trong điều khoản đảo nghịch thuế (inversion) ở Mỹ, theo đó một công ty nếu có 20% cổ phần được sở hữu bởi nhà đầu tư ngoại thì có thể kê khai thuế ở nước ngoài.

Nếu thỏa thuận này được thực hiện thì Bộ Tài chính Mỹ sẽ mất trên 1 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, sau kế hoạch điều chỉnh chống trốn thuế của chính quyền Tổng thống Obama công bố vào tháng 9 vừa rồi, AbbVie đã tuyên bố họ không còn ý định mua Shire nữa.

7. Bernie Ecclestone

7. Bernie Ecclestone

Ông trùm “F1” Bernie Ecclestone là cá nhân bị buộc tội trốn thuế lớn nhất trong lịch sử Vương quốc Anh. Theo một tài liệu bí mật được tiết lộ đầu năm nay, cơ quan thuế đã phải thỏa thuận với ông chủ giải đua thể thao Công thức 1 để ông này chỉ phải trả 10 triệu bảng tiền thuế thay vì tổng số nợ hơn 2 tỉ bảng.

Ecclestone bị cáo buộc thông qua vợ mình đã chuyển phần lớn tài sản đến một số quỹ tín thác gia đình ở Liechtenstein, một thiên đường thuế ở châu Âu. Cuộc điều tra kéo dài 9 năm trước khi đạt được thỏa thuận trên.

6. Paul Daugerdas

6. Paul Daugerdas

Cựu luật sư này đã bị kết án 15 năm tù về hành vi gian luận thuế nghiêm trọng kéo dài tới 10 năm. Giữa năm 1994-2004, Paul Daugerdas đã khuyên gần 1.000 khách hàng giàu có của mình chuyền tiền ra nước ngoài để trốn thuế. Hậu quả là các khách hàng của ông này tiết kiệm được 7 tỉ tiền thuế và tạo ra hơn 1 tỉ tiền lỗ giả. Các công tố viên Mỹ đã miêu tả đây là một kế hoạch trốn thuế lớn nhất mà họ từng biết.

Công ty luật mà Daugerdas làm việc đã phải đóng cửa sau vụ bê bối trên và ông này bị buộc trả vài triệu USD tiền phạt như một cách bồi thường.

5. Credit Suisse

5. Credit Suisse

Thú nhận việc hỗ trợ trốn thuế của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ tháng 5 đã biến ngân hàng này trở thành tổ chức tài chính lớn nhất bị kết tội hỗ trợ trốn thuế trong vòng 20 năm qua. Phiên tòa kéo dài 1 năm đã tiết lộ cách thức ngân hàng này giúp đỡ những người giàu Mỹ trốn thuế bằng cách chuyển tiền vào các tài khoản bí mật ở nước ngoài.

Credit Suisse đã mở tài khoản cho 22.000 khách hàng Mỹ, giữ tổng số tiền lên tới 10-12 tỉ USD và giúp khách hàng che giấu khỏi cơ quan thuế vụ Mỹ. Credit Suisse đồng ý trả số tiền phạt kỉ lục lên đến 2,6 tỉ USD.

4. UBS

4. UBS

UBS là ngân hàng Thụy Sĩ thứ 2 bị lôi kéo vào bê bối trốn thuế chỉ trong có vài tháng. Ngân hàng này bị các nhà điều tra Pháp cáo buộc giúp khách hàng che giấu số tiền 10 tỉ USD trong các tài khoản nước ngoài. Nếu bị kết tội, khoản tiền phạt mà ngân hàng này phải gánh có thể còn vượt xa Credit Suisse và trở thành tổ chức tài chính bị áp mức phạt cao nhất. UBS không xa lạ gì với các cáo buộ trốn thuế. Ngân hàng này đã trả số tiền phạt 780 triệu USD tại Mỹ năm 2009 và 300 triệu tại Đức đầu năm nay.

3. Apple

3. Apple

Tháng 9 vừa qua, EU đã phán quyết cơ quan thuế Ireland đã hành động vượt ra ngoài các luật pháp quốc tế khi ký thỏa thuận ưu đãi thuế với Apple. Ireland là một thiên đường thuế cho nhiều công ty nước ngoài với mức thuế doanh nghiệp chỉ có 12,5%. Tuy nhiên theo điều tra của Thượng viện Mỹ, Apple thậm chí chỉ trả chưa tới 2% mức thuế ở đây.

Đặt trụ sở tại Cork từ năm 1980 và các nhà điều tra phát hiện ra rằng các thỏa thuận đã cho phép công ty này trả mức thuế rất thấp trong hơn 20 năm qua. Tờ Financial Times ước tính, nếu thỏa thuận thuế này bị phán bất hợp pháp thì công ty có thể phải trả hàng tỉ USD tiền thuế chưa thanh toán.

2. Cyprus

2. Cyprus

Cyprus (Đảo Síp) cũng là một quốc gia thu hút nhiều công ty nước ngoài với mức thuế thấp. Đây là thiên đường thuế của các công ty Nga. Các công ty này đã lợi dụng các thỏa thuận ưu đãi giữa 2 quốc gia để chuyển tiền tái đầu tư về Nga. EU cũng đã bày tỏ lo ngại về việc thực thi luật tại đây và cho rằng việc thu thuế có thể cũng vô cùng khó khăn dù mức thuế rất thấp.

1. Luxembourg

1. Luxembourg

Đầu tháng 11 xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy công quốc nhỏ bé Luxembourg đã giúp nhiều công ty trốn những khoản thuế khổng lồ. Liên hiệp Nhà báo Điều tra Quốc tế (The International Consortium of Investigative Journalists) đã tung ra hàng nghìn tài liệu tiết lộ các thỏa thuận thuế giữa chính phủ nước này với khoảng 1.000 doanh nghiệp.

Các thỏa thuận này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chuyển lợi nhuận thông qua Luxembourg và cắt giảm mức thuế tại đây xuống chỉ 1%. Ước đoán các công ty đã tiết kiệm được hơn 1.000 tỉ euro từ năm 2000 nhờ thỏa thuận này./.

Mai Hương (theo therichest.com)

Mai Hương (theo therichest.com)

© Thời báo Tài chính Việt Nam