Tín dụng 6 tháng tăng trưởng 9,35%

10:32 | 10/07/2022 Print
(TBTCO) - Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%).

Trong khi tín dụng đạt 11,4 triệu tỷ đồng, thì huy động vốn nhỉnh hơn chút ít, đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, nhưng tốc độ tăng trưởng huy động chỉ đạt 4,51% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,09%).

Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Tín dụng 6 tháng tăng trưởng 9,35%
Tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2022 nhanh hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: T.L
Tín dụng bán lẻ tăng trưởng ấn tượng giúp ngân hàng vững vàng vượt qua đại dịch Covid-19 Ngân hàng Nhà nước: Tăng trưởng tín dụng đã đạt khoảng 8,16% Đã đến lúc xem xét thay thế "room tín dụng" bằng giải pháp có tính thị trường hơn

Các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ lũy kế 709.038 tỷ đồng, tổng số tiền lãi miễn, giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến nay đạt trên 50.000 tỷ đồng.

Bên cạnh các giải pháp điều hành trong thời gian qua, để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ được giao, Ngân hàng Nhà nước đã cùng các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN trong cùng ngày 20/5/2022 hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện./.

Mục tiêu tín dụng năm 2022 là 11%

Theo nội dung Chỉ thị 01/CT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành đầu năm 2022, định hướng tín dụng năm 2022 tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Chỉ thị 01 cũng đặt mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022 bình quân khoảng 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam