Malaysia đối mặt với rủi ro do giá dầu tuột dốc

07:47 | 05/12/2014 Print
Dầu giảm giá có thể là một tín hiệu vui đối với nhiều nền kinh tế ở Châu Á. Tuy nhiên với Malaysia thì ngược lại, nước này có thể sẽ phải đối mặt với những rủi ro - hệ lụy của việc phụ thuộc quá nhiều vào Tập đoàn dầu khí quốc doanh Petronas.

Malaysia đối mặt với rủi ro do giá dầu tuột dốc

Ảnh: AFP

Trong thời gian gần đây, giá dầu Brent đã giảm khoảng 1/3 so với mức giá 115 USD/thùng. Theo đánh giá của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), giá dầu thế giới tuột dốc là do nhu cầu giảm, đồng USD tăng giá và bùng nổ của hoạt động sản xuất dầu tại Mỹ.

Ngân hàng Credit Suisse dự báo, giá dầu cứ giảm 10% thì tăng trưởng GDP của Malaysia có thể sẽ mất khoảng 0,2 điểm %. Còn nếu giá dầu dao động ở mức 70 USD/thùng thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Malaysia sẽ chỉ đạt 4,4%, thấp hơn mức dự báo 5,2% trước đó.

Credit Suisse cũng đưa ra dự báo về khả năng đồng ringgit sẽ trượt giá nếu so với đồng USD. Cụ thể, 1 USD có thể sẽ đổi được 3,49 ringgit trong 3 tháng tới và 3,53 ringgit trong 12 tháng tới.

Petronas cắt giảm chi tiêu

Petronas vừa công bố hồi cuối tuần trước rằng họ sẽ cắt giảm 15-20% chi tiêu ngân sách trong năm tới, đồng thời cho biết nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện tại thì cổ tức trả cho Chính phủ cũng sẽ giảm 37%. Trong quý III, lợi nhuận ròng của tập đoàn dầu khí quốc doanh này đã giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp sản lượng dầu vẫn tăng.

Trong năm 2015, tập đoàn này dự kiến sẽ trả khoảng 43 tỷ ringgit (12,56 tỷ USD) cho chính phủ với chi tiêu dự kiến cho cả năm là 273,9 tỷ ringgit (khoảng 80 tỷ USD).

Ông Jalil Rasheed, giám đốc đầu tư tại Jalil Rasheed tại Invesco cho biết, tất cả các loại trái phiếu của Malaysia hiện đều được xếp hạng tín nhiệm AAA do được đảm bảo bằng doanh thu từ dầu. Theo Rasheed, với việc Petronas công bố sẽ trả cổ tức thấp hơn đã dấy lên một lo ngại về khả năng thanh toán nợ của chính phủ Malaysia.

Tuy nhiên vẫn có nhiều tranh luận xung quanh tác động của giá dầu đến nguồn tài chính công của Malaysia khi mà từ tháng tới, quốc gia Đông Nam Á này sẽ ngừng hoạt động trợ giá cho xăng và dầu diesel đã kéo dài hàng thập kỷ, nhằm tiết kiệm hàng tỷ USD và giảm thâm hụt tài khóa.

Chuyên gia kinh tế tại HSBC Su Sian Lim nhận định, các khoản trợ cấp giá nhiên liệu đã chiếm tới 9,3% tổng chi tiêu ngân sách của Malaysia trong năm 2013, cao hơn rất nhiều so với trợ cấp dành cho giáo dục và y tế. Bà Lim cho biết, động thái kể trên của chính phủ Malaysia sẽ giúp nước này tiết kiệm khoảng 20 tỷ ringgit mỗi năm./.

Thu Trà ( Theo CNBC)

Thu Trà ( Theo CNBC)

© Thời báo Tài chính Việt Nam