Tháo gỡ kịp thời “điểm nghẽn” trong xác định giá trị doanh nghiệp

06:17 | 18/07/2022 Print
(TBTCO) - Trong khi chờ sửa đổi luật để hoàn thiện khung pháp lý về việc sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa đổi một số nghị định, theo hướng tháo gỡ ngay một số điểm nghẽn trong xác định giá trị doanh nghiệp, phân định rõ trách nhiệm từng khâu… Thông tin được ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về nội dung cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

PV: Thưa ông, thời gian gần đây, công tác cổ phần hóa (CPH), thoái vốn hầu như chững lại. Xin ông cho biết nguyên nhân của vấn đề này?

Tháo gỡ kịp thời “điểm nghẽn” trong xác định giá trị doanh nghiệp
Ông Đặng Quyết Tiến

Ông Đặng Quyết Tiến: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang CPH, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai. Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện CPH, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định. Việc triển khai CPH, thoái vốn phụ thuộc vào tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả, đảm bảo tính khả thi. Đó là về khách quan.

Về chủ quan, nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nên còn tư tưởng đối phó. Điều đó dẫn đến kết quả thực hiện CPH, thoái vốn đối với các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ vốn thấp.

PV: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh, có ý kiến cho rằng hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) yếu kém, không được như kỳ vọng. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Ông Đặng Quyết Tiến: DNNN hoạt động theo những nhiệm vụ Chính phủ giao, không chỉ là sản xuất kinh doanh mà còn là an sinh xã hội, ổn định kinh tế… cho nên nói kém hiệu quả ở đây cần phân tích trên giác độ sản xuất kinh doanh hay cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích. Trước 2015, hai nhiệm vụ này chưa phân tách được. Nhưng từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 đã làm quyết liệt sự phân định này.

Nhìn vào tình hình hiện nay, qua 2 năm chống dịch, các DNNN đã thể hiện đúng vai trò nhiệm vụ công cụ nhà nước để hỗ trợ ổn định nền kinh tế, ổn định xã hội, góp phần nguồn lực vào chống dịch. Nhiệm vụ đó các thành phần khác không làm được, hoặc làm còn hạn chế.

Nếu nói hoạt động DNNN còn kém hiệu quả, thì đó chủ yếu là hệ quả để lại trong giai đoạn phát triển nóng, khi chúng ta hình thành DNNN quy mô lớn, mà hệ thống quản trị còn lạc hậu, cơ chế giám sát chưa chặt chẽ, nên mới để lại những vụ việc như 12 dự án kém hiệu quả và nhiều dự án nhỏ chưa liệt kê.

Từ năm 2016 đến nay, chúng ta hầu như tập trung xử lý tồn tại quá khứ, hoàn thiện cơ chế, xây dựng lại toàn bộ nhận thức về cơ cấu lại DNNN, mà ít triển khai các dự án mới, đột phá. So với giai đoạn trước thì có chậm lại, nhưng là chậm lại để nhìn nhận, củng cố tìm giải pháp cho căn cơ, bền vững.

Việc triển khai cổ phần hoá, thoái vốn phụ thuộc vào tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả.
Việc triển khai cổ phần hoá, thoái vốn phụ thuộc vào tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả.

PV: Để đẩy mạnh sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả DNNN, Bộ Tài chính đã đề xuất việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tới đây, Quốc hội cũng sẽ xem xét việc sửa các luật liên quan như Luật Đất đai. Tuy nhiên, việc sửa luật phải mất một, vài năm. Vậy trước mắt, cơ quan quản lý sẽ có những giải pháp gì để tháo gỡ một số vướng mắc trong CPH, thoái vốn nói riêng, sắp xếp lại DNNN nói chung?

Ông Đặng Quyết Tiến: Về CPH, thoái vốn, vừa qua Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo, lấy ý kiến đông đảo chuyên gia. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã trả lời chất vấn của đại biểu tại Quốc hội về vấn đề này. Trước hết, phải khẳng định CPH, thoái vốn chỉ là một trong những giải pháp cơ cấu lại DNNN.

Quốc hội đã có nghị quyết giao cho Chính phủ khẩn trương rà soát nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật thuộc thẩm quyền Chính phủ. Qua tổng kết, lấy ý kiến, chúng tôi thấy có một số vấn đề cần tháo gỡ ngay, trong đó trước hết các điểm nghẽn về xác định giá trị doanh nghiệp. Phải xác định rõ lại là Nhà nước không can thiệp trực tiếp, thông qua ban hành phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp mà để các công ty tư vấn thực hiện theo Pháp lệnh Giá, quy định về thẩm định giá để xác định giá trị doanh nghiệp. Trong đó, các yếu tố như lợi thế, thương hiệu… nằm trong phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp do tư vấn làm, nằm trong quy định chung về thẩm định giá.

Sớm đưa các chính sách mới đi vào cuộc sống

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, trên cơ sở hội thảo, tổng kết, lấy ý kiến các tập đoàn, tổng công ty, Bộ Tài chính đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Chính phủ cho phép sửa đổi một số nghị định theo nội dung trên. Bộ Tài chính sẽ cố gắng trình Chính phủ theo hướng rút gọn để đảm bảo khi ban hành thực hiện được ngay, không cần thông tư hướng dẫn, kịp thời hỗ trợ cho chương trình phục hồi kinh tế.

Thứ hai là, trong khi chưa sửa đổi Luật Đất đai thì quy định doanh nghiệp chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm, thay vì một lần. Theo quy định hiện hành thì khi trả tiền hàng năm không tính giá trị sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp. Quan trọng nhất là phải quy định chặt chẽ, sau CPH không được chuyển đổi mục đích sử dụng. Trường hợp chuyển đổi mục đích thì phải trả lại đất để đấu giá.

Ngoài ra, một số nội dung khác như sẽ rà soát lại để đảm bảo yêu cầu tăng phân quyền trách nhiệm cho doanh nghiệp, tránh đùn đẩy, dồn lên các cấp trên, như thẩm quyền khi phê duyệt trong CPH, thoái vốn. Khi phân định rõ thì cơ quan quản lý nhà nước chỉ ban hành cơ chế, thể chế. Cơ quan đại diện chủ sở hữu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, địa phương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện theo quy định pháp luật. Doanh nghiệp có trách nhiệm chủ động xây dựng phương án, đề xuất nội dung thoái vốn, cơ cấu lại theo hình thức CPH, triển khai quy trình CPH.

Sau này khi quy trách nhiệm, nếu cơ chế ban hành thiếu thì cơ quan quản lý chịu trách nhiệm, nếu không tổ chức thực hiện thì doanh nghiệp chịu trách nhiệm, còn khi doanh nghiệp đề xuất lên cơ quan đại diện chủ sở hữu rồi mà phê duyệt chậm thì cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm. Theo nguyên tắc của Đảng, việc chậm, nhanh, không hoàn thành nhiệm vụ thì trách nhiệm đầu tiên là người đứng đầu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ứng dụng công nghệ thông tin để làm “cuộc cách mạng” trong quản trị doanh nghiệp

Hiện nay, một trong những yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 5 về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là phải đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, mục tiêu là giúp doanh nghiệp xây dựng được hệ thống áp dụng công nghệ thông tin, các quy chuẩn trong quản trị. Việc này là căn cứ để giám sát của các cơ quan nhà nước thông thoáng hơn, công khai, hiệu quả hơn.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, việc thiết kế hệ thống công nghệ thông tin giai đoạn hiện nay là hoàn toàn phù hợp, vì chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, đây sẽ là một cuộc cách mạng vì khi đã công khai thì bất kể ai, từ lãnh đạo đến nhân viên đều phải chấp hành đúng quy trình, quy chế, có sự giám sát trong nội bộ doanh nghiệp, của cơ quan đại diện chủ sở hữu và sự kiểm tra, cảnh báo của cơ quan quản lý nhà nước.

“Chúng tôi đang bàn bạc với Ngân hàng Thế giới, xây dựng bộ tài liệu về quản trị doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận những kiến thức cơ bản về thông lệ tốt nhất trong quản trị doanh nghiệp” - ông Đặng Quyết Tiến cho hay. Sau khi hoàn thiện, bộ tài liệu này sẽ sớm được công bố, tuyên truyền, tổ chức đào tạo.

Về phía mình, Bộ Tài chính cũng kiện toàn lại hệ thống công nghệ thông tin về giám sát, cảnh báo tài chính doanh nghiệp theo đúng chức năng của cơ quan quản lý, tiến tới sẵn sàng cung cấp, chia sẻ cho các cơ quan, phục vụ công tác quản lý, điều hành khi cần thiết.

Hoàng Yến (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam