Không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp

22:07 | 18/07/2022 Print
(TBTCO) - Ngày 18/7/2022, đoàn công tác của Ban chỉ đạo xây dựng đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã có buổi làm việc với Bộ Công thương. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.
Chính sách phát triển công nghiệp quốc gia: Phải coi trọng đổi mới sáng tạo Kiện toàn BCĐ Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản

Trong những năm qua, chủ trương, đường lối về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước đã được Trung ương Đảng đặc biệt quan tâm xây dựng, hoàn thiện và chỉ đạo triển khai thực hiện xuyên suốt. Qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã có bước chuyển đổi sâu sắc. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng quá trình CNH, HĐH đất nước vẫn còn chậm, năng lực tự chủ về công nghệ và sản xuất của nền kinh tế còn thấp, việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra…

Do vậy, thực hiện chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương xây dựng đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào tháng 10 tới.

Trần Tuấn Anh
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng đề án nhấn mạnh: Bộ Công thương là cơ quan đầu tiên Ban Chỉ đạo tới làm việc trực tiếp sau khi có dự thảo 1 của đề án. Ông Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến một số vấn đề như: đánh giá bối cảnh chung trong nước và quốc tế đang tác động đến Việt Nam nói chung và CNH, HĐH nói riêng; làm rõ mô hình CNH, HĐH của Việt Nam trong thời gian tới; các thành tố chính trong mục tiêu tổng quát của CNH, HĐH đất nước đến năm 2030 là gì? Tầm nhìn đến năm 2045 ra sao? Các mục tiêu/chỉ tiêu cụ thể cần nêu trong nghị quyết tới sẽ thế nào?…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, quan điểm CNH, HĐH đất nước trong thời gian tới cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, chuyển dịch sang mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập cũng như đại diện các vụ, đơn vị của Bộ Công thương đã tập trung vào một số nội dung quan trọng, cụ thể như quan điểm về: các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp có tính chiến lược để nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ và sản xuất của nền kinh tế; các ngành công nghiệp nền tảng, ngành/sản phẩm công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mới có tính chiến lược trong thời gian tới là gì? Nên tiếp cận theo ngành hay theo sản phẩm ưu tiên? Các chủ trương, định hướng lớn về chính sách của Đảng đối với phát triển các ngành này? Đâu là những vấn đề cần quyết sách chính trị của Ban Chấp hành Trung ương để tạo sự phát triển đột phá của công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới…

Toàn cảnh
Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo đã nêu rõ các nội dung thống nhất tại hội nghị.

Thứ nhất, quan điểm CNH, HĐH đất nước trong thời gian tới cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, chuyển dịch sang mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm.

Thứ hai, không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp nhưng phát triển công nghiệp trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò là động lực, then chốt, nền tảng của quá trình CNH, HĐH.

Thứ ba, trong giai đoạn tới, để công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm và góp phần hoàn thành các mục tiêu về CNH, HĐH đã đặt ra đến năm 2030 và 2045, cần phải có thể chế cho phát triển công nghiệp tốt hơn. Theo đó, Việt Nam cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh cho phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp trên thị trường toàn cầu.

Thứ tư, để lãnh đạo, chỉ đạo thành công quá trình CNH, HĐH, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã được Đại hội XIII thông qua, các ý kiến đều thống nhất đề nghị sớm ban hành một nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, nội dung cốt lõi của mô hình CNH, HĐH mới là: thúc đẩy tự động hóa, số hóa và thông minh hóa các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số và các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện chuyển đổi số, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để phát triển kinh tế nhanh, bền vững và bao trùm; nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế, đặc biệt là tự chủ về công nghệ và sản xuất; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước. Vì vậy, cần thực hiện mô hình CNH, HĐH mới trên cơ sở xác lập lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra các đột phá phát triển và các cực tăng trưởng kinh tế.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam