Tạo thuận lợi là lực đẩy quan trọng cho tăng trưởng xuất nhập khẩu

06:03 | 20/07/2022 Print
(TBTCO) - Thời gian qua, với sự chủ động trong nắm bắt, phân tích, đánh giá tình hình, ngành Hải quan kịp thời có những giải pháp vừa tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan. Điều này góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thúc đẩy sự tăng trưởng của kim ngạch xuất nhập khẩu.

Vừa tạo thuận lợi, vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ

Thống kê nửa năm qua của ngành Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 371,32 tỷ USD, tăng 16,4% (tương ứng 52,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Cục Hải quan Bắc Ninh là đơn vị có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất trong toàn quốc với tổng kim ngạch đạt 86,84 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021. 5 đơn vị xếp ngay sau là Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đạt 71,49 tỷ USD, tăng 11,9%; Cục Hải quan Hải Phòng đạt 51,91 tỷ USD, tăng 18,4%; Cục Hải quan Hà Nội đạt 31,68 tỷ USD, tăng 36,6%; Cục Hải quan Bình Dương đạt 26,56 tỷ USD, giảm 2%; Cục Hải quan Đồng Nai đạt 21,93 tỷ USD, tăng 11%.

Đây là những con số tích cực, song, sự tích cực ấy “không tự dưng mà có”. Nửa năm qua, với sự chủ động trong nắm bắt, phân tích, đánh giá tình hình, từ trên xuống dưới, ngành Hải quan đã kịp thời có những giải pháp vừa tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, điều này đã góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thúc đẩy sự tăng trưởng của kim ngạch xuất nhập khẩu.

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh kiểm tra vải tươi xuất khẩu. Ảnh: Hồng Vân
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh kiểm tra vải tươi xuất khẩu. Ảnh: Hồng Vân

Đơn cử như những tháng đầu năm 2022, với chính sách “Zero-Covid”, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc liên tục dừng thông quan tại tất cả các cửa khẩu, lối mở biên giới, dẫn đến tình trạng hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu biên giới phía Bắc. Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ giải quyết vướng mắc về thủ tục hải quan để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa. Trong đối ngoại, Tổng cục Hải quan trao đổi công hàm với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về các giải pháp tạo điều kiện thông quan hàng hóa. Ở địa phương, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Hữu Vượng chia sẻ, để đồng hành cùng doanh nghiệp, Cục Hải quan Lạng Sơn, nhất là các chi cục như: Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Chi cục Hải quan Tân Thanh thường xuyên làm việc ngoài giờ hành chính, thực hiện thủ tục hải quan 24/7để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thông quan hàng hóa.

Tương tự tại Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng và cả tuyến biên giới phía Bắc, trước tình trạng tạm dừng thông quan dài ngày, hoặc hoạt động nhỏ giọt, các đơn vị hải quan cơ sở vừa thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của ngành, vừa tham mưu cho chính quyền các địa phương trong thực hiện các giải pháp để sớm khơi thông hoạt động xuất nhập khẩu bình thường, ổn định. Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai Dương Xuân Sinh, căn cứ trên thực tế, cơ quan hải quan luôn ưu tiên thực hiện thủ tục để thông quan hàng hóa nhanh chóng, nhất là với mặt hàng nông sản dễ hư hỏng…

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa

Ngoài việc luôn khẩn trương xử lý những vấn đề phát sinh có tính chất thời điểm nêu trên, những tháng qua, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh các chương trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan có tính chất dài hơi để tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Xây dựng Hệ thống cảnh báo chống ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu

Ngành Hải quan các cấp cũng tham gia xây dựng và vận hành Hệ thống cảnh báo chống ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; ban hành công văn hướng dẫn về thủ tục gia hạn thời gian quá cảnh hàng hóa do dịch bệnh Covid-19 làm ách tắc tại cửa khẩu xuất và về chuyển tiêu thụ nội địa, gia hạn thời gian lưu giữ đối với hàng hóa quá cảnh.

Có thể kể đến việc trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 (theo Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022); xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính, đồng thời nghiêm túc triển khai các kế hoạch, chỉ thị tới các đơn vị thuộc và trực thuộc tổng cục; hiện đại hóa trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan; nâng cao hiệu quả thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Tinh thần cải cách, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp cũng lan tỏa mạnh mẽ xuống địa phương. Các cục hải quan địa phương cả nước tùy điều kiện, tình hình thực tế đều có những giải pháp cụ thể. Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Duy Ngọc chia sẻ: Đơn vị chủ động nghiên cứu, đề xuất hướng dẫn và đồng hành, phối hợp với doanh nghiệp chế xuất trên địa bàn thực hiện các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, khắc phục khó khăn liên quan đến điều kiện về giám sát hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP. Qua đó 100% doanh nghiệp chế xuất trên địa bàn đã đáp ứng đầu đủ yêu cầu, quy định tại Nghị định 18.

Lực lượng hải quan Quảng Ninh cũng cho biết, đang duy trì việc phối hợp nhịp nhàng với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi… thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo cơ quan an toàn, đảm bảo giữ vững “vùng xanh an toàn” tại khu vực cửa khẩu. Tại Móng Cái, cán bộ hải quan vẫn làm việc, ăn nghỉ khép kín, thời gian thực hiện định kỳ 15 ngày/đợt.

Với các giải pháp tạo thuận lợi của ngành Hải quan và các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, năm 2022, dự báo quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ đạt con số kỷ lục là hơn 740 tỷ USD.

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam