Giá dầu thế giới giảm đã quay đầu ‘gây hại’ cho Mỹ

11:32 | 10/11/2014 Print
Trên Phố Wall vẫn còn tranh cãi về việc liệu giá dầu sẽ giữ nguyên ở mức thấp này trong bao lâu, và ảnh hưởng tiềm tàng của sự sụt giảm giá dầu đến nền kinh tế Mỹ như thế nào. Nhưng đa số các ý kiến đều cho rằng chắc chắn tốc độ tăng GDP Mỹ trong thời gian tới sẽ chậm lại.

gia dau giam

Giá dầu giảm khoảng 20 USD/thùng cũng đồng nghĩa với việc để mất 170 triệu USD doanh thu/ngày.

Hãng tin AP cho biết, giá dầu thế giới tương đối ổn định trong 4 năm qua ở mức trung bình 96 USD/thùng, mang lại lợi nhuận lớn cho các công ty dầu và các nhà đầu tư Mỹ. Từ đó, thúc đẩy ngành khai thác dầu mỏ Mỹ thuê thêm nhân công và đẩy mạnh tham vọng khai thác ở các khu vực phía Bắc Dakota, Texas, Oklahoma...

Tuy nhiên, hiện nay giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao trên thị trường New York đã giảm xuống khoảng 80 USD/thùng, cách xa mức đỉnh 107 USD/thùng đạt được hồi tháng Sáu, do Arab Saudi hạ giá dầu xuất khẩu vào thị trường Mỹ, cũng như tình trạng dư thừa nguồn cung dầu trên toàn thế giới.

Giá dầu thấp, nhìn chung, có lợi cho nền kinh tế Mỹ, nhưng lại gây tổn hại cho các nhà sản xuất dầu. Giá dầu giảm khoảng 20 USD/thùng cũng đồng nghĩa với việc để mất 170 triệu USD doanh thu/ngày.

Các nhà đầu tư giờ đây ngần ngại trong việc “đổ tiền” vào các dự án mới khi chưa chắc chắn về khả năng thu lợi của các dự án đó. Còn các công ty dầu khí cả lớn và nhỏ hiện nay không đủ vốn đề khoan thêm các giếng dầu mới.

Hãng BP, Chevron và Shell trong tuần trước đã thông báo về kế hoạch cắt giảm nguồn đầu tư vào các dự án mới do giá dầu thế giới đang giảm nhanh.

Ông Mike McDonald, người đồng sở hữu Triad Energy – công ty thường điều hành 1 hoặc 2 giàn khoan dầu đang hoạt động tại Oklahoma - cho biết giá dầu giảm đã gây thiệt hại cho Triad Energy, và ông sẽ không đưa thêm một giàn khoan nào khác vào hoạt động sau khi các dự án hiện hành kết thúc.

Ông Lynn Helms, Giám đốc Cơ quan tài nguyên khoáng sản miền Bắc Dakota cho biết các công ty đang hướng đến việc cắt giảm chi phí phát điện và nước thải. Ông cho biết chi phí hoạt động trung bình/tháng cho một giếng dầu đã tăng 36% lên 15.000 USD, phản ánh bức tranh toàn cảnh ngành dầu khí đang phải vật lộn với chi phí sản xuất cao.

Các nhà khai thác dầu ở hạt Burke, Bắc Dakota cũng sẽ ngừng sản xuất do giá dầu giảm quá thấp, “thu không đủ bù chi”.

Ông Daniel Pratt, thuộc Công ty phân tích HIS, nhận định, doanh thu của các công ty dầu khí tính trên nguồn vốn bỏ ra, đã giảm một nửa kể từ năm 2000, ngay cả khi giá dầu đã tăng. Vậy nên, tình trạng dầu thế giới đang trượt giá chỉ khiến tình cảnh của họ càng thêm bi đát.

Hiện trên Phố Wall, dù vẫn còn tranh cãi về việc liệu giá dầu sẽ giữ nguyên ở mức thấp như thế này trong bao lâu, và ảnh hưởng tiềm tàng của sự sụt giảm giá dầu đến nền kinh tế Mỹ như thế nào. Nhưng đa số các ý kiến đều cho rằng chắc chắn tốc độ tăng GDP Mỹ trong thời gian tới sẽ chậm lại.

Các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs trong tuần trước cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) chưa có động thái cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu, điều này có nghĩa là các nhà sản xuất dầu ở Mỹ sẽ phải cắt giảm sản lượng.

Ông Bob Brackett thuộc Cơ quan nghiên cứu Bernstein ước tính khoảng 1/3 sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ không thu lời với mức giá 80 USD/thùng như hiện nay. Do đó, nếu Mỹ và các nước khai thác dầu khác cắt giảm sản lượng, giá dầu sẽ nhanh chóng phục hồi.

Ông Thomas Driscoll từ Barclays cho rằng ngành khai thác dầu đá phiến của Mỹ sẽ có lãi nếu mức giá nằm trong khoảng 75 – 80 USD/thùng. Mặc dù hi vọng sản lượng dầu khí ở Mỹ sẽ giảm, nhưng ông không nghĩ điều này sẽ xảy ra trừ khi giá dầu trong dài hạn giảm xuống mức từ 65 – 75 USD/thùng./.

Kim Dung

Kim Dung

© Thời báo Tài chính Việt Nam