Hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững: Rà soát kỹ tránh tình trạng “thả gà ra đuổi”

08:16 | 25/07/2022 Print
(TBTCO) - Trao đổi với phóng viên TBTCVN về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, cần rà soát, tránh chồng chéo chính sách dẫn tới tình trạng “thả gà ra đuổi”, ngân sách nhà nước thiệt hại mà hiệu quả không được bao nhiêu.

PV: Vào tháng 2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025 với mục tiêu phát triển bền vững DN khu vực tư, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường... Ông có bình luận gì về chương trình này?

Hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững: Rà soát kỹ tránh tình trạng “thả gà ra đuổi”
TS. Nguyễn Quốc Việt

TS. Nguyễn Quốc Việt: Trước hết, tôi hoan nghênh ý thức, trách nhiệm của các cơ quan hoạch định chính sách và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc nâng tầm các DN Việt Nam, nâng tầm ý thức kinh doanh và mô hình sản xuất kinh doanh của Việt Nam làm sao bền vững và có trách nhiệm với xã hội, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.

Bền vững theo góc độ phục hồi sau đại dịch, nghĩa là làm sao để DN khi gặp những cú sốc tương tự như Covid-19 thì bản thân DN có khả năng thích ứng mạnh mẽ, không bị gián đoạn hay ngừng hoạt động và rút lui khỏi thị trường. Nếu tiếp cận ở góc độ này thì tôi rất đồng tình với chương trình hỗ trợ này. Nếu không thì tính khả thi của chương trình sẽ là một dấu hỏi lớn khi có sự chồng chéo với rất nhiều chương trình khác và việc triển khai sẽ chẳng khác nào “thả gà ra đuổi”, giống như những chính sách chúng ta đã đặt ra rất kỳ vọng, tham vọng, nhưng khi triển khai không có một cơ chế chung, nên không đạt được hiệu quả mong muốn.

Nguồn: chinhphu.vn Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: chinhphu.vn. Đồ họa: Thế Dương

PV: Ông có thể nói rõ hơn về góc nhìn này?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Thực tế, việc kinh doanh có trách nhiệm của các DN nói chung và DN tư nhân Việt Nam nói riêng bản chất là chúng ta đã có một hệ thống chính sách hỗ trợ theo từng ngành, từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thậm chí từng loại sản phẩm. Ngoài ra còn có những chính sách chung như hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp...

Các chính sách của các ngành khác nhau, từ chính sách công nghiệp hỗ trợ, tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, nông nghiệp... Tất cả những giải pháp hỗ trợ từ hệ sinh thái khởi nghiệp cho tới tiếp cận vốn, sở hữu trí tuệ cho DN vừa và nhỏ hiện nay đã có hẳn luật và cơ chế, nguồn lực để hỗ trợ từ nguồn lực chung cho tới nguồn lực kết hợp các dự án quốc tế. Vì vậy, cần rà soát lại, đánh giá lại xem có chồng chéo hay không, hiệu quả đến đâu, có bị lấn sân nhau, mâu thuẫn giữa các chính sách hay không.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn đang rất hạn hẹp và còn đang trăm mối phải lo, trong khi hiện tại có đến hơn 5 triệu hộ kinh doanh, mà chỉ tập trung vào 10.000 DN vừa và nhỏ thì chỉ như “muối bỏ bể” khi chưa thể đánh giá được bản thân những DN này đã tự thân vận động để kinh doanh bền vững theo nghĩa duy trì được sự tồn tại sau Covid-19 hay chưa, chưa nói tới việc nó có phải thành phần xương sống của nền kinh tế hay không.

Tôi cho rằng, tính khả thi đang có vấn đề. Hỗ trợ phải thực tế, phải dựa trên điều kiện và nhu cầu của DN và cung - cầu của thị trường. Nếu can thiệp không khéo thì Nhà nước có thể “mất cả chì lẫn chài”, ngân sách nhà nước bỏ ra phí tổn, không hiệu quả và việc chạy theo chính sách không khéo lại khiến cho bản thân các DN lâm vào cảnh lao đao, đặc biệt là các đơn vị trung gian như ngân hàng. Bài học nhãn tiền là chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt. Đó là bài học kinh nghiệm cần hết sức lưu ý để xem xét chính sách hỗ trợ cho phù hợp.

Công khai, minh bạch chính sách hỗ trợ

"Tôi cho rằng, cần làm rõ chính sách hỗ trợ mới này nên ở mức độ nào? Theo tôi, nên theo hướng hỗ trợ tổng quát, hỗ trợ tạo dựng một cơ chế minh bạch công khai, hỗ trợ về mặt thể chế để làm sao doanh nghiệp (DN) thực thi được trách nhiệm xã hội, thực hành kinh doanh bền vững, có trách nhiệm. Cơ chế, thể chế này không chỉ dành cho riêng DN tư nhân Việt Nam, thậm chí nó là yêu cầu, đòi hỏi chung, tạo thành một thực hành thông lệ trong đời sống xã hội” - TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

Trên hết, hãy tạo dựng một môi trường bình đẳng, một sự hấp dẫn chung về thủ tục kinh doanh để tự thân DN thấy được sự hấp dẫn, ưu việt của các mô hình kinh doanh mới. Hãy tạo cho họ 1 cơ chế khuyến khích bằng thể chế, luật lệ chung, không tạo ra những rào cản, giấy phép con hay tháo gỡ những khó khăn về thủ tục, về tiếp cận nguồn lực ban đầu. Đó là những nền tảng cơ bản để khởi sự kinh doanh tốt.

Theo tôi, trong 5 gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và DN hậu Covid-19 đang được triển khai, chỉ cần thực hiện tốt trong năm 2022 - 2023, đủ nguồn lực để triển khai nhanh, kịp thời và hiệu quả là đã rất tích cực. Còn những chính sách khác cần xem xét kỹ có khả thi hay không và có chồng chéo, mâu thuẫn với rất nhiều chương trình hỗ trợ đang có hay không.

PV: Vậy ông có góp ý gì cho chương trình này để việc hỗ trợ khu vực tư nhân thực sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng nếu được thực hiện?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Như đã phân tích ở trên, tôi cho rằng, điều quan trọng là cần xác định rõ mục tiêu, mục đích và tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn với chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo đơn ngành, theo lĩnh vực, theo đối tượng hiện đã có.

Sau một loạt những vấn đề nảy sinh thời gian qua, theo tôi, quan trọng nhất là tránh sự trục lợi chính sách, tránh tình trạng đẻ ra chính sách dù có tiếng là hỗ trợ cho người dân và DN, nhưng lẩn khuất đằng sau đó lại là những nhóm lợi ích, hay sự ngụy biện chính sách để can thiệp một cách không chính đáng, tạo ra những sự hỗ trợ không lành mạnh cho một nhóm chủ thể đã được lựa chọn trước.

Đồng thời, cần tránh việc đánh giá một cách không cẩn trọng và không khả thi về những rủi ro của chương trình can thiệp vào chính sách hỗ trợ này. Bởi vì, những rủi ro không chỉ đơn giản từ tính phi hiệu quả của nguồn lực công nhà nước (mặc dù rất ít), mà quan trọng hơn là ảnh hưởng tiêu cực đến đối tượng tham gia như làm cho nợ xấu của ngân hàng tăng lên, hay khiến cho bản thân các DN lại ôm một đống nợ. Do đó, cần đánh giá thật kỹ lưỡng để tránh vừa mất tiền Nhà nước vừa ảnh hưởng tới hoạt động của DN.

PV: Xin cảm ơn ông!

Không nhất thiết phải xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá riêng của Việt Nam

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó có quy định các tiêu chí công nhận các DN kinh doanh bền vững.

Bình luận xung quanh vấn đề này, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng: “Chúng ta không nên loay hoay tự xây dựng bộ tiêu chí riêng vì thực tế, đây không còn là vấn đề mới. Kinh doanh bền vững là thông lệ, là chuẩn mực quốc tế và đã có các quy chuẩn về từng ngành nghề, lĩnh vực, thậm chí từng loại sản phẩm. Các chuẩn mực quốc tế đã ở mức hoàn thiện rồi, điều quan trọng là Việt Nam áp dụng các chuẩn mực này tới đâu”.

Theo TS. Việt, thực tế thì rất nhiều DN lớn trong nước, kể cả tư nhân đã xây dựng và thực hành các báo cáo về phát triển bền vững, kinh doanh bền vững trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế. Bản thân các cải cách thể chế chính sách và pháp luật của Nhà nước cũng đang phải thay đổi và tiệm cận theo thông lệ chung của thế giới và những đòi hỏi của các hiệu định, các quy chế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Tương tự như vậy, DN kinh doanh cũng phải hòa đồng với các thông lệ quốc tế, các chuẩn mực thế giới, chứ không thể đưa ra những chuẩn mực mang tính chủ quan riêng. “Trong vấn đề này, tôi cho rằng nên công nhận các chuẩn mực quốc tế sẽ khả thi hơn việc chúng ta tự xây dựng một bộ tiêu chí riêng” - TS. Việt nhấn mạnh.

Hà My (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam