Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đang có sự “bứt tốc” tích cực

08:04 | 27/07/2022 Print
(TBTCO) - Kết thúc 6 tháng đầu năm, bức tranh giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều mảng màu tối. Tuy nhiên, bước sang tháng 7, tiến độ giải ngân đã có nhiều tín hiệu khả quan khi nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có sự “bứt tốc”. Thậm chí, 4 cơ quan trung ương (Tập đoàn Điện lực, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội nhà văn) chưa thực hiện giải ngân trong 6 tháng đầu năm, thì trong tháng 7 này, chỉ còn Tập đoàn Điện lực chưa thực hiện giải ngân.

Sự quyết tâm đã làm nên những mảng màu tươi sáng

Từ lâu, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn được xem là lĩnh vực khó, nhạy cảm và là điểm nghẽn của công tác giải ngân vốn đầu tư công. Nhưng nhờ nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác này, cùng với sự lăn xả vào cuộc của các cấp lãnh đạo, tại nhiều địa phương, điểm nghẽn này đã được khơi thông, giúp việc giải ngân vốn được thuận lợi, góp vào bức tranh giải ngân chung những mảng màu tươi sáng.

Hết tháng 5/2022, tỉnh Thái Nguyên mới giải ngân kế hoạch vốn đầu công năm 2022 đạt 25,3%. Tỷ lệ này không thấp so với mặt bằng chung của cả nước lúc đó, nhưng với mục tiêu giải ngân 100% số vốn khi hết năm ngân sách, Thái Nguyên đã đề ra các giải pháp và quyết liệt thực hiện. Theo báo cáo nhanh của Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên, tính đến ngày 26/7/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của tỉnh đã tăng lên nhanh chóng khi đạt 57,5% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (trên 5.840 tỷ đồng).

Kết quả này cho thấy, các cấp lãnh đạo cũng như các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tại tỉnh Thái Nguyên đã rất coi trọng công tác giải ngân, do đó đã làm tốt công tác GPMB; đẩy nhanh tiến độ thi công và khẩn trương thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương

Góp phần vào thành công chung của tỉnh, Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên cũng có cách làm riêng trong công tác GPMB, giúp nhanh tạo được quỹ đất sạch cho các dự án. Ông Ngô Mạnh Cường - Giám đốc Ban cho biết, năm 2022, Ban được giao trên 1.400 tỷ đồng cho 8 dự án đang triển khai thực hiện. Tính đến ngày 15/7 vừa qua, Ban đã giải ngân 1.060 tỷ đồng chủ yếu cho công tác bồi thường GPMB, phần còn lại thực hiện tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu tư vấn, thi công.

“Đặc thù các dự án giao thông là công trình dạng tuyến, trải dài qua nhiều địa bàn, khối lượng GPMB lớn nên phải vừa triển khai, vừa thực hiện công tác GPMB. Để khắc phục khó khăn, chúng tôi đã ưu tiên và dành nguồn vốn cho công tác này, vì thế, các dự án của Ban đang thực hiện không gặp khó khăn gì trong công tác giải ngân. Dự kiến đến 31/12/2022, Ban sẽ hoàn thành giải ngân 100% nguồn vốn” - ông Cường cho biết.

Tại Thái Bình, với quyết tâm không để việc GPMB là vật cản trong quá trình giải ngân, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, kiên trì vận động, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành chỉ thị yêu cầu các sở, ban, ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Về phía UBND tỉnh đã cụ thể hóa các kế hoạch nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng phương án, thực hiện cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp cố tình chây ỳ, không chấp hành để thực hiện hiệu quả công tác GPMB trên địa bàn tỉnh.

Bà Trần Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình cho biết, xác định chỉ có thực hiện tốt công tác GPMB thì mới sớm triển khai dự án. “Vì vậy, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành GPMB các dự án trọng điểm của tỉnh, các dự án nút thắt giao thông, các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách...” - bà Hà nhấn mạnh.

Với các giải pháp đã thực hiện, tính đến ngày 25/7/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư toàn tỉnh Thái Bình đạt gần 60% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (3.680 tỷ đồng).

Kích sáng những mảng màu tối

Theo danh sách tổng hợp của Bộ Tài chính, hết tháng 6/2022, tỉnh Bắc Kạn đứng thứ 2 từ dưới lên trong danh sách các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước khi mới đạt 13%, trong khi nguồn vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh được giao tăng gấp 3 lần so với năm trước (trên 3.269,4 tỷ đồng).

Để giải ngân hết nguồn vốn và ra khỏi danh sách các địa phương giải ngân thấp, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và các chủ đầu tư tập trung thực hiện các công việc cụ thể để đạt các mục tiêu đề ra.

Ước giải ngân 7 tháng đạt 34,47% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, dự kiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trên cả nước trong 7 tháng đầu năm đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trên 542.105 tỷ đồng), giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (36,71%). Trong đó, vốn trong nước giải ngân đạt trên 36% (cùng kỳ năm 2021 đạt trên 40%); vốn nước ngoài đạt 11,9% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,52%). Cũng báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, đến thời điểm báo cáo, tổng số vốn chưa được phân bổ chi tiết còn trên 56.457 tỷ đồng, chiếm trên 10% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Về nguồn vốn ngân sách trung ương, có 10 bộ và 13 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, có một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao (trên 50%) như: Ủy ban Dân tộc (97,59%); Thanh tra Chính phủ (84,92%), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (84,38%), Bộ Y tế (60,31%), Bộ Tư pháp (trên 54%).

Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chấp thuận tiến độ thực hiện các dự án nhóm A, B sử dụng vốn ngân sách trung ương trong nước; trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt tiến độ thực hiện công việc theo ngày của các dự án nhóm A, B để làm căn cứ kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh…

Sự quyết liệt này đã đưa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bắc Kạn tăng nhanh trong những ngày đầu tháng 7 và đến ngày 22/7/2022, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đã đạt 22,2%.

Về phía các bộ, cơ quan trung ương, tình hình giải ngân cũng có nhiều tín hiệu tốt. Ngoài một số đơn vị có tiến độ giải ngân tốt như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,55%); Ngân hàng Phát triển (49,42%), Ngân hàng Nhà nước (35,9%), Bộ Giao thông vận tải (32,35%), các bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân thấp trong 6 tháng đến nay cũng đã có sự thay đổi theo cấp độ tăng lên về tỷ lệ.

Đáng chú ý, đến nay, ngoài Tập đoàn Điện lực chưa thực hiện giải ngân, 3 cơ quan trung ương còn lại là Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội nhà văn đều đã thực hiện giải ngân…

Cần sự quyết liệt của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương

Mặc dù tỷ lệ giải ngân của cả nước đã được cải thiện trong tháng 7, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn đạt thấp, thậm chí còn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.

Có những nguyên nhân đến từ yếu tố khách quan, như vướng mắc trong khâu GPMB, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, do năm 2022 là năm thứ 2 triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (thực chất là năm đầu tiên triển khai do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021), là năm các bộ, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án.... Nhưng cũng không thể phủ nhận những nguyên nhân chủ quan, đến từ sự chưa quyết liệt vào cuộc của những người đứng đầu bộ, ngành, địa phương.

Vì thế đã có nghịch lý xảy ra, là cùng một cơ chế, chính sách nhưng tại các bộ, ngành, địa phương mà người đứng đầu có quyết tâm cao, coi công tác giải ngân như một nhiệm vụ chính trị quan trọng thì tại đó, tỷ lệ giải ngân luôn đạt cao, trong khi một số khác vẫnmãiìạch.Chỉkhicósựđônđốc và quyết liệt vào cuộc của các cấp lãnh đạo và thực hiện đồng bộ các giải pháp thì tỷ lệ giải ngân mới tăng lên.

Rõ ràng, giải ngân vốn đầu tư công chậm không chỉ gây lãng phí nguồn lực, mà còn cản trở tiến trình phục hồi của nền kinh tế. Do đó, hơn lúc nào hết, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự lăn xả vào cuộc của người đứng đầu các đơn vị. Có như thế, tiến độ giải ngân mới được cải thiện, nguồn vốn được hấp thụ nhanh chóng vào xã hội góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.

An Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam