Cục Thuế Hưng Yên nỗ lực kéo giảm nợ thuế

11:23 | 27/07/2022 Print
(TBTCO) - Lãnh đạo Cục Thuế Hưng Yên đánh giá, thu ngân sách nội địa trên địa bàn đến nay đạt được kết quả khá tích cực, tuy nhiên nợ thuế trên địa bàn còn khá cao (nợ thuế tăng 2,4 % so với cùng kỳ). Cục Thuế Hưng Yên đang thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để thu hồi nợ thuế, nỗ lực kéo giảm nợ thuế đáp ứng chỉ tiêu thu nợ Tổng cục Thuế giao.

Đã ban hành gần 440 quyết định cưỡng chế nợ thuế

Đại diện Cục Thuế Hưng Yên cho hay, công tác quản lý nợ thuế, thu hồi nợ thuế đã được cơ quan thuế các cấp quan tâm, chú trọng triển khai. Ngay từ đầu năm, cục thuế đã thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ cho từng đơn vị, từng cán bộ theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế và đôn đốc các đơn vị tập trung đôn đốc nợ và thực hiện quyết liệt các biện pháp cưỡng chế nợ thuế.

Tính đến hết ngày 31/5/2022, toàn ngành thuế địa phương đã ban hành trên 180 nghìn lượt thông báo về tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp; ban hành 439 quyết định cưỡng chế.

Trong đó, biện pháp trích tiền từ tài khoản là 412 quyết định, biện pháp thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng là 27 quyết định; thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp chây ỳ, không chấp hành pháp luật thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng là 1.989 lượt người nợ thuế.

Cục Thuế Hưng Yên nỗ lực kéo giảm nợ thuế
Cán bộ công chức Cục Thuế Hưng Yên rà soát doanh nghiệp nợ thuế. Ảnh: Minh Nghĩa

Theo lãnh đạo Cục Thuế Hưng Yên, tỷ lệ nợ tăng cao so với thời điểm 31/12/2021 (cả về nợ có khả năng thu và nợ khó thu), cụ thể: tính đến 31/5/2022, tổng nợ thuế là trên 1.338 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng thu là 1.272 tỷ đồng, tăng 17,36% so với thời điểm ngày 31/5/2021.

Đối với nợ thuế của khu vực ngoài quốc doanh, nợ đến hết ngày 31/5/2022 là 1.155 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu là 1.110 tỷ đồng, tăng 11,83% so với cùng kỳ.

Còn tình trạng doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế

Nhiều doanh nghiệp không chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế, cố tình chây ỳ nợ, chiếm dụng tiền thuế, dẫn đến nợ cũ chưa nộp hết thì nợ mới lại phát sinh.

Nếu trừ các khoản nợ ảo chưa điều chỉnh (27 tỷ đồng) thì tính đến 31/5/2022, tổng nợ thuế vẫn còn 1.311 tỷ đồng, tăng 2,4 % so với cùng kỳ. Trong đó nợ có khả năng thu là 1.245 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Đối với nợ thuế của khu vực ngoài quốc doanh, tính hết ngày 31/5/2022 là 1.128 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu là 1.083 tỷ đồng, tăng 1,15% so với cùng kỳ.

Nhìn vào danh sách công khai nợ thuế của Cục Thuế Hưng Yên cho thấy, đến 31/5/2022, trên địa bàn có hơn 1.000 doanh nghiệp đang nợ đọng thuế. Doanh nghiệp có số nợ lớn nhất theo danh sách vừa công khai là Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Hưng Yên nợ trên 271 tỷ đồng; Công ty CP bất động sản Vạn Thuận Phát nợ trên 78 tỷ đồng; Công ty TNHH đầu tư và phát triển An Phú nợ trên 66 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư xây dựng Phúc Hưng nợ trên 33 tỷ đồng…

Đại diện Cục Thuế Hưng Yên cho hay, mặc dù đã rất quyết liệt trong công tác quản lý nợ thuế, đôn đốc nợ thuế nhưng tỷ lệ nợ thuế vẫn còn cao, nguyên nhân là do trong năm 2022, do vẫn còn ảnh hưởng của dịch Covid từ những năm trước, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán, tài sản đã thế chấp tại ngân hàng, dẫn đến chưa nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước.

Phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng thu hồi nợ thuế

Với quyết tâm giảm tình trạng nợ đọng thuế, các đơn vị thuộc Cục Thuế Hưng Yên triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Cơ quan thuế lồng ghép công tác thu nợ thuế trong tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ các đối tượng nộp thuế, cải tiến mạnh mẽ cách làm thông qua các hình thức tiếp xúc trực tiếp, điện thoại, thư điện tử để nhắc nhở các tổ chức, cá nhân chấp hành nghĩa vụ thuế.

Cùng với đó, Cục Thuế Hưng Yên quyết liệt thực hiện các biện pháp quản lý thu nợ, thực hiện nghiêm quy trình quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế; kiên quyết thực hiện việc cưỡng chế đối với các khoản nợ thuế dây dưa, chây ỳ để thu kịp thời các khoản nợ vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, hạn chế nợ mới phát sinh.

Cục Thuế Hưng Yên nỗ lực kéo giảm nợ thuế
Hoạt động sản xuất tại Công ty TPAVN. Ảnh: TN

Cục thuế phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các sở ban ngành liên quan trên địa bàn như: cơ quan Công an, Ngân hàng, Sở Kế hoạch đầu tư, Quản lý thị trường..., để thu hồi nợ thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản tiền nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Biện pháp cưỡng chế nợ thuế chưa đủ mạnh

Công tác rà soát phân loại tiền thuế nợ được thực hiện thận trọng, chính xác, bảo đảm việc phân loại phải đầy đủ hồ sơ, phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ, của từng trường hợp nợ thuế, để áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế cũng như các biện pháp khác phù hợp, thu hồi nợ thuế vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các biện pháp cưỡng chế nợ thuế còn chưa đủ mạnh nên chưa kịp thời thu đủ số nợ vào ngân sách.

Cục Thuế Hưng Yên đang báo cáo Tổng cục Thuế để tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế chính sách liên quan đến nợ, nhất là các khoản liên quan đến đất, mục tiêu giảm tỷ lệ nợ đến thời điểm 31/12/2022; nỗ lực xử lý dứt điểm nợ lưu cữu.

Cùng với đó, cục thuế tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 94/2019/QH14, Thông tư số 69/2020/TT-BTC về khoanh nợ tiền thuế, xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không có khả năng nộp ngân sách nhà nước đảm bảo đúng đối tượng và đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Cục thuế cũng thực hiện đôn đốc các khoản được gia hạn: thuế GTGT, thuế TNDN của doanh nghiệp; thuế GTGT, thuế TNCN của hộ kinh doanh và tiền thuê đất theo thời hạn quy định; tổng kết, đánh giá kết quả đạt được và những vướng mắc, phát sinh, tồn tại hoặc đề xuất những kiến nghị sửa đổi, bổ sung trong quá trình xử lý khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14 để chuẩn bị cho hội nghị sơ kết công tác xử lý nợ theo Nghị quyết 94 dự kiến sẽ được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tổ chức vào thời gian tới./.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam