Bất ổn triền miên khiến người giàu tại châu Á ngại mua sắm

09:58 | 20/10/2014 Print
Châu Á không còn là thị trường tăng trưởng liên tục của các hãng sản xuất hàng xa xỉ sau hàng loạt những bất ổn như làn sóng biểu tình tại Hong Kong, cuộc chiến chống tham nhũng khiến kinh tế Trung Quốc hụt hơi, cũng như cuộc đảo chính vừa qua tại Thái Lan.

Bất ổn triền miên khiến người giàu tại Châu Á ngại mua sắm

Ảnh minh họa. Ảnh: traveller.com.au

Doanh số bán hàng của LVMH - nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực này với hàng hoạt các thương hiệu đình đám như: Louis Vuitton, Givenchy và Dior giảm 3% tại khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) trong quý 3 năm nay. Đây là mức thấp hơn nhiều so với doanh số những ngày huy hoàng của Tập đoàn này giai đoạn 2010-2012.

Trong khi đó, bất cứ thị trường nào khác ngoài châu Á, doanh số của Tập đoàn này đều tăng. Thậm chí việc kinh doanh tại khu vực châu Âu vốn đang trì trệ cũng có doanh số tốt hơn trong 9 tháng qua.

Giám đốc tài chính của Tập đoàn, ông Jean-Jacques Guiony cho biết, cuộc khủng hoảng ở Hong Kong sẽ có tác động vào kết quả kinh doanh quý của họ. “Chúng tôi đã ghi nhận một vài tác động tiêu cực lên các của hàng miễn thuế trong quý 3”.

Arnaud Cadart, chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán CM-CIC nhận định, các yếu tố kinh tế, tiền tệ và địa chính trị đang ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường châu Á.

Suy giảm tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc cùng với chiến dịch chống chi tiêu xa hoa của các quan chức chính phủ nước này đang làm tê liệt các công ty sản xuất hàng xa xỉ vốn vẫn phát triển dựa vào những người giàu có và mê đồ hiệu tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang được coi là sinh lời lớn này.

Chuyên gia tư vấn Bain dự báo, thị trường hàng xa xỉ tại Trung Quốc sẽ giảm lần đầu tên trong năm nay. Đây có thể coi là tác động rõ ràng lên các công ty như Richemont của Thụy Sỹ, Burberry và Mulberry của Anh và Prada của Ý cũng như nhiều thương hiệu siêu sang khác đang phải kìm chế việc mở rộ bành trướng nhanh chóng trước đây của mình.

Bain cho biết, sự suy giảm tại Trung Quốc cùng với những yếu tố khác có thể khiến ngành sản xuất hàng xa xỉ toàn cầu chững lại và có thể chỉ tăng trưởng ở mức 2% năm nay – mức được coi là “bình thường mới”.

Cadart cũng lưu ý rằng, thị trường Trung Quốc đã đưa ngành này phát triển trong nhiều năm và nó không thể tiếp tục phát triển với tốc độ như vậy trong dài hạn. Trong khi người giàu tại Trung Quốc vẫn được coi là những người chi tiêu lớn, họ có xu hướng đi nghỉ hơn là ở nhà.

Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty hàng xa xỉ đều nằm trong vòng suy giảm tại nước này.

Tháng 9 vừa qua, Hermes đã khai trương cửa hàng mới tại Thượng Hải và điều này cũng vẫn đúng cho Jimmy Choo - vừa niêm yết trên sàn chứng khoán London tuần qua cũng nhằm mục đích huy động tiền để khai thác thị trường Trung Quốc và Nhật Bản.

Các công ty hàng xa xỉ cũng cho biết, động thái cắt giảm chi tiêu xa hoa đã khiến doanh số bán rượu cognac và các loại rượu đắt tiền khác cũng như các sản phẩm đồng hồ vốn là quà biếu truyền thống suy giảm.

Theo LVMH, doanh số bán rượu của hãng giảm 7% trong 9 tháng đầu năm nay.

Nhà sản xuất rượu Remy Cointreau của Pháp cũng cho biết, doanh số trong nửa đầu năm nay giảm 15,5%, do nhu cầu suy yếu với sản phẩm Remy Martin hàng đầu của hãng tại Trung Quốc.

Ngành sản xuất hàng xa xỉ tại các quốc gia khác trong khu vực cũng vị ảnh hưởng nặng nề do du khách Trung Quốc suy giảm vì nhiều lý do trong đó có cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan hồi tháng 5.

Singapore cũng thấy lượng khách hàng mua đồ xa xỉ giảm 20%.

Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất cho ngành này là cuộc biểu tình đang diễn ra ở Hong Kong, trung tâm toàn cầu cho những thương hiệu đồng hồ xa xỉ và thị trường hàng hóa cao cấp nói chung.

Thông thường, ngành này có thể có đến 10-12% doanh thu từ Hong Kong và 20% từ các nhà sản xuất đồng hồ như Richemont và Swatch.

Ngoài sự cảnh báo của LVMH về hiệu ứng của cuộc biểu tình này tới lợi nhuận, các nhà sản xuất đồng hồ cũng có chung cảm nhận.

Doanh số bán lẻ giảm tới gần một nửa trong tuần qua khi người biểu tình làm tắc nghẽn các đường phố của Hong Kong và đụng độ với cảnh sát trong các cuộc biểu tình dân chủ lớn nhất kể từ khi các thuộc địa cũ của Anh được trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Suy giảm doanh số tại châu Á cũng tác động lên thị trường chính quốc của các công ty. Tag Heuer - nhà sản xuất đồng hồ - một phần của Tập đoàn LVMH đã quyết định sa thải 46 người tại Thụy Sỹ và Cartier cũng sẽ cho công nhân làm việc ít giờ hơn vào tháng tới.

Điểm sáng duy nhất trong bức tranh này có thể coi là Nhật Bản nơi hàng xa xỉ đang thực sự tăng trưởng thậm chí khách hàng nước này đã bị giảm sức mua do đồng yen suy yếu./.

Vũ Hoa (theo AFP)

Vũ Hoa (theo AFP)

© Thời báo Tài chính Việt Nam