Singapore vượt Hongkong trở thành trung tâm tài chính châu Á?

18:05 | 16/10/2014 Print
Khi nhà đầu cơ nổi tiếng Michael Milken – người đã có công đầu trong việc hình thành thị trường trái phiếu “rác” – lên kế hoạch tổ chức cuộc hội thảo đầu tiên ở châu Á của Viện Milken vào tháng trước, ông đã quyết định lựa chọn Singapore thay vì Hong Kong.

Singapore vượt Hongkong trở thành trung tâm tài chính Châu Á

Ảnh minh họa. Ảnh: timeoutsingapore.com

Sự lựa chọn này đã thực sự thu hút sự chú ý vì Hong Kong là một địa chỉ dường như nổi bật hơn vì vừa là một trung tâm tài chính, vừa là một cửa ngõ đối với thị trường vốn đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Milken cho biết, một trong những lý do Singapore được lựa chọn là vì ông cho rằng Singapore có thể trở thành biểu tượng cho châu Á.

Singapore đã phát triển chóng mặt và trở thành một trung tâm giao dịch hàng hóa và ngoại hối lớn nhất của khu vực – đồng thời cũng trở thành là trung tâm quản lý tài sản. Điều này đã đem lại động lực mang tính cạnh tranh cho châu Á.

Theo Glenn Hubbard, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Collumbia, Singapore đang thực sự đạt được vị trí cạnh tranh với Hong Kong. Singapore hội tụ đầy đủ tính minh bạch, sự mở cửa và sự liêm chính.

Sự cạnh tranh giữa Singapore và Hong Kong cũng cho thấy việc các trung tâm tài chính ở châu Á đã chuyển động như thế nào kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã buộc các trung tâm tài chính như London và New York phải tiến hành cải cách.

Sự gia tăng của cải nhanh chóng ở châu Á tất yếu đặt ra câu hỏi trung tâm nào ở châu Á sẽ chiếm vị trí thống trị.

Trung tâm tài chính Hong Kong đã được thành lập như một London ở châu Á vào những năm 1960, khi mà Singapore mới chỉ ở những bước khởi đầu phát triển thị trường tiền tệ.

Xét về chứng khoán và các vụ IPO, hiện nay, Hong Kong vẫn chưa có đối thủ. Hong Kong xếp thứ 3 trên thế giới trong năm nay, chỉ sau New York và London, với 67 vụ lên sàn có tổng giá trị 17,6 tỷ USD. Trong khi đó, Singapore đứng thứ 19 với chỉ 8 vụ niêm yết có tổng giá trị 1,9 tỷ USD, theo Dealogic.

Vị trí đó của Hong Kong sẽ ngày càng được củng cố, đặc biệt với sự ra mắt vào tháng tới của Thượng Hải – Hong Kong Stock Connect (kết nối 2 thị trường và lần đầu tiên cho phép các nhà đầu tư Hong Kong và nước ngoài tham gia vào thị trường Thượng Hải).

Sean Darby, Giám đốc chiến lược chứng khoán toàn cầu của Jefferies (Ngân hàng đầu tư Mỹ tại Hong Kong) cho rằng, Hong Kong không chỉ nên được biết đến như một trung tâm chứng khoán, mà còn nên được coi như một cửa ngõ để tiếp cận với các loại tài sản tài chính và thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, Singapore lại chính là nơi đã thu hút hàng chục công ty giao dịch hàng hóa toàn cầu, khai thác vị trí như là một cảng lớn nhất thế giới với các tuyến đường biển kết nối với thị trường khổng lồ Trung Quốc.

Giao dịch hàng hóa là lĩnh vực hiện đang có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trên sàn Singapore. Các sàn giao dịch toàn cầu đang tăng cường sự hiện diện ở châu Á thông qua các thương vụ mua bán ở Singapore.

Xét về ngoại hối, Singapore đã vượt qua Nhật Bản trong năm ngoái trở thành trung tâm lớn nhất ở châu Á và và lớn thứ 3 trên thế giới chỉ sau London và New York. Các dịch vụ tài chính chiến 12% GDP của Singapore, không thấp hơn nhiều so với mức 16% của Hong Kong.

Tuy nhiên, Singapore vẫn chưa thể vượt qua Hong Kong về lĩnh vực quản lý tài sản. Hong Kong có 82 tỷ phú trong khi đó Singapore mới chỉ có 32 tỷ phú, theo công ty nghiên cứu Wealth-X.

Nếu Hong Kong và Singapore kết hợp với nhau, kỳ vọng sẽ vượt qua nước đang dẫn đầu về quản lý tài sản Thụy Sỹ vào năm 2015, theo tập đoàn tư vấn Boston Consulting.

Tập đoàn này cho rằng tính đến cuối năm 2013, tổng tài sản được quản lý ở Hong Kong là khoảng 1.250 tỷ USD, chỉ đứng sau Thụy Sỹ với 1.370 tỷ USD. Singapore đứng thứ 3 với 820 tỷ USD.

Mối đe dọa lớn nhất đối với Singapore, theo các chuyên gia, chính là vai trò ngày càng được tăng cường của Hong Kong như là một cửa ngõ kết nối với thị trường vốn của Trung Quốc.

Một sự hấp dẫn nữa của Singapore chính là môi trường sống ở quốc đảo xinh đẹp này. Thêm nữa, giá nhà đất cũng rẻ hơn Hong Kong – thành phố có giá nhà đất đắt đỏ nhất trên thế giới.

Cả Singapore và Hong Kong trước đây đều là thuộc địa của Anh với hệ thống pháp luật gần tương tự nhau.

Trong một nghiên cứu về Singapore và Hong Kong như là những trung tâm tài chính công bố vào tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã chỉ ra rằng Singapore và Hong Kong đang dần bổ sung cho nhau với việc cung cấp cho 2 khu vực phân biệt đó là Bắc Á và Trung Quốc đối với Hong Kong và Đông Nam Á đối với Singapore./.

Mai Linh (theo FT)

Mai Linh (theo FT)

© Thời báo Tài chính Việt Nam