Thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa

16:51 | 28/07/2022 Print
(TBTCO) - Sáng 28/7, tại TP.Hồ Chí Minh (HCM), Ban Kinh tế Trung ương cùng với Thành ủy TP.HCM và Đại học Quốc gia TP.HCM, đồng chủ trì, phối hợp với Ban Chủ nhiệm Đề tài độc lập quốc gia ĐTL.XH-10/21 đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Thể chế hiện đại là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng vào năm 2045 Không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp

Sau phần phát biểu khai mạc và chào mừng của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, các đại biểu, các diễn giả trong nước, quốc tế đã trao đổi, thảo luận và đưa ra những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng; kinh nghiệm quốc tế cũng như khuyến nghị đề xuất về chủ trương, các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh và điều kiện mới.

Theo Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng

Hội thảo nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học, cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất về chủ trương, mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam góp phần phục vụ xây dựng đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII vào tháng 10/2022

Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, qua 35 năm Đổi mới vẫn tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động với sự cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc, cùng với đó vấn đề toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế diễn ra nhanh chóng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật và đổi mới sáng tạo, những yêu cầu về bảo đảm an toàn môi trường gắn với những cam kết của cộng đồng quốc tế, các vấn đề về an ninh phi truyền thống,... đang đặt ra vấn đề cần phải thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh hơn và bền vững hơn, đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống, hạnh phúc của nhân dân, tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đạt được các mục tiêu đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII.

Nguyễn Xuân Thắng
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu

Qua các tham luận, ý kiến từ hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất rằng mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới, với mô hình mới, đó là công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa cần trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm; đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ nhân dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng đồng thời khẳng định rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng là sự nghiệp toàn dân; cần bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số quốc gia và đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

Hội thảo cũng xác định, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò là nền tảng, động lực quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao là những những nhân tố đột phá chiến lược trong thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới.

Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhất là một số cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội để tạo điều kiện để thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, cần phát huy tinh thần khởi nghiệp quốc gia, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng, ý chí tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trần Tuấn Anh
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án đã nhấn mạnh một số vấn đề cần thiết, quan trọng đặt ra trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt về cách thức Việt Nam nhanh chóng tiếp cận, tham gia và tận dụng tốt nhất những cơ hội, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá, tăng tốc phát triển nhanh nhưng bền vững, nhằm rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển…

“Đây là những vấn đề rất lớn, có tính chất phức tạp, không chỉ là những vấn đề của riêng Việt Nam mà còn gắn với những tác động, ảnh hưởng có tính toàn cầu, do đó chúng ta cần phải đổi mới tư duy về cách tiếp cận mô hình phát triển, đặt ra những định hướng, mục tiêu phù hợp, nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp mới, đột phá, mang tính bao trùm, tổng thể và có tính thực thi cao phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới”- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, yêu cầu về nâng cao năng lực cạnh tranh ngày càng cao, đòi hỏi cần phải chuyển đổi tư duy phát triển, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài sang chủ động phát triển nội lực, đẩy mạnh sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghệ, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao… Đồng thời ưu tiên phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghiệp trong nước lớn mạnh, đổi mới thu hút FDI theo hướng có chọn lọc, chất lượng cao và bảo đảm yêu cầu về liên kết với doanh nghiệp trong nước; đặc biệt chú trọng khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề phát sinh về xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đặc biệt, cần phải chú trọng và phát huy tối đa nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, coi trọng và đẩy mạnh giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp mới có tính chiến lược theo từng giai đoạn; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án sẽ tiếp tục chỉ đạo các hoạt động hội nghị, hội thảo và làm việc, khảo sát thực tế tại một số bộ, ngành, địa phương để lấy thêm ý kiến tham gia xây dựng, hoàn thiện Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6 vào tháng 10/2022 theo phân công tại Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam