Ngành Thuế: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người nộp thuế

07:00 | 29/07/2022 Print
(TBTCO) - Xác định công tác tuyên truyền hỗ trợ, phổ biến giáo dục pháp luật về thuế đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, bên cạnh các phương thức tuyên truyền, hỗ trợ truyền thống, ngành Thuế đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hình thức điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của Chính phủ và nhu cầu tiếp cận thông tin theo phương thức điện tử của người nộp thuế.

Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ qua các app điện tử

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế), thời gian qua, ngành Thuế đã và đang triển khai công tác tuyên truyền, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng người nộp thuế (NNT).

“Đến nay hầu hết cơ quan thuế các cấp đều có tài khoản mạng xã hội: Tổng cục Thuế có trang fanpage, kênh Youtube; nhiều cục thuế bên cạnh fanpage và kênh Youtube còn có kênh Zalo riêng... Thực tế công tác triển khai tuyên truyền cho thấy, mạng xã hội là một phương thức tuyên truyền rất hiệu quả bởi tính kịp thời và thuận tiện của nó. Thông tin từ cơ quan thuế được chuyển trực tiếp tới NNT thông qua tài khoản Zalo cụ thể của NNT. NNT không mất thời gian tra cứu, tìm hiểu mà tiếp nhận thông tin một cách chính thống từ cơ quan quản lý thuế” - bà Nguyễn Thị Thu Hà thông tin.

Nguồn: Tổng cục Thuế    	     						 	   Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

Ngoài ra, cơ quan thuế các cấp chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp tại cơ quan thuế sang phương thức hỗ trợ trực tuyến, đẩy mạnh triển khai hỗ trợ giải đáp vướng mắc thông qua các hình thức: điện thoại, thực hiện chuyên mục giao lưu trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của ngành Thuế; hỗ trợ trực tuyến qua 479 kênh thông tin của toàn ngành Thuế; đăng tải clip, văn bản hướng dẫn trên website ngành Thuế và các mạng xã hội (zalo, facebook) của cơ quan thuế các cấp.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, ngành Thuế đã cung cấp thông tin cho NNT thông qua hơn 2,5 triệu email; thực hiện hỗ trợ được hơn 347 nghìn lượt NNT thông qua zalo, fanpage của các cục thuế; đã tổ chức hơn 300 hội nghị đối thoại, với khoảng 108 nghìn người tham gia; tổ chức gần 780 lớp tập huấn, với hơn 184 nghìn người tham dự; trực tiếp hướng dẫn tại bộ phận “một cửa” của cơ quan thuế với hơn 332 nghìn lượt người. Tại Tổng cục Thuế cũng đã tổ chức nhiều buổi hỗ trợ trực tuyến, hướng dẫn chính sách và giải đáp vướng mắc của NNT thông qua hình thức livestream trên nền tảng các mạng xã hội. Các buổi livestream có lượng người theo dõi, tương tác và tiếp cận rất lớn.

Công tác hỗ trợ NNT qua hệ thống 479 kênh hỏi – đáp tiếp tục được đổi mới qua việc phân loại cụ thể 47 loại câu hỏi, đồng thời bổ sung cho hệ thống chức năng phân luồng câu hỏi tự động, nâng cao hiệu quả xử lý, tính chuyên nghiệp và giảm khối lượng công việc của cán bộ thuế ở bước phân loại và phân công người trả lời câu hỏi. 6 tháng đầu năm, hệ thống đã tiếp nhận 4.709 câu hỏi, đã trả lời 3.669 câu (đạt tỷ lệ 78%).

Không ngừng đổi mới phương thức tuyên truyền, hỗ trợ

Chia sẻ về những điểm mới trong công tác tuyên truyền hỗ trợ, ông Nguyễn Hữu Trường – Phó Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh, cho biết trong 4 chức năng quản lý thuế gồm: tuyền truyền hỗ trợ, kê khai, thanh tra kiểm tra và quản lý nợ, thì chức năng tuyên truyền hỗ trợ luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu làm tốt công tác tuyên truyền để tất cả người dân đều hiểu và chấp hành pháp luật thuế thì sẽ giảm áp lực công việc cho 3 chức năng còn lại.

Xác định được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền hỗ trợ, thời gian qua, Cục Thuế Bắc Ninh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về thuế cụ thể theo từng tháng, quý và cả năm. Đồng thời, cơ quan thuế phối hợp với cơ quan truyền thông như: Đài phát thanh - Truyền hình, Báo Bắc Ninh thực hiện các chuyên mục “Thuế và cuộc sống”, tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát.

Ông Đỗ Trọng Nghĩa – Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên cho biết, công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT được đơn vị chú trọng triển khai với nhiều nội dung, hình thức mới, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19, thông qua việc sử dụng hiệu quả các kênh truyền tải thông tin hiện đại như: Zalo, Facebook, Youtube... 6 tháng đầu năm, cục thuế đã giải đáp vướng mắc, hướng dẫn tại cơ quan thuế cho gần 12.000 lượt NNT; trả lời vướng mắc bằng văn bản 63 trường hợp;...

Phát sóng hơn 1.300 chuyên mục trên các đài truyền hình

Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, cơ quan thuế các cấp đã phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình thực hiện phát sóng hơn 1.300 chuyên mục trên các đài truyền hình, trên 48.200 tin/bài/chuyên mục trên các kênh phát thanh, trên 4.400 tin/bài/chuyên mục trên báo, tạp chí truyền thống và trên 25.000 tin/bài/ảnh/video/văn bản trên các trang thông tin điện tử của cơ quan thuế các cấp.

"Ngoài ra, việc tiếp nhận và trả kết quả các hồ sơ thủ tục hành chính thuế theo cơ chế “một cửa” cũng được duy trì tốt từ cục thuế đến các chi cục thuế, đảm bảo thời gian theo quy định, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của NNT" - ông Đỗ Trọng Nghĩa thông tin thêm.

Ông Nguyễn Bá Phú – phụ trách Phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ (Cục Thuế Thanh Hóa), cũng cho hay trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đơn vị duy trì phương thức hỗ trợ NNT qua điện thoại, gửi thư điện tử cho NNT để cung cấp thông tin hoặc nhắc NNT về thời hạn thực hiện hồ sơ khai thuế.

Đồng thời, Cục Thuế Thanh Hóa đã xây dựng các sản phẩm hỗ trợ theo phương thức điện tử, được đăng tải công khai trên trang tin điện tử thu hút lượng lớn NNT tiếp cận thông tin. Để phổ biến rộng rãi chính sách pháp luật thuế đến NNT, Cục Thuế Thanh Hóa đã phối hợp với các phòng, ban của UBND cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn gửi các thư ngỏ tuyên truyền chính sách thuế đến NNT; gửi thư điện tử đến NNT thông qua hệ thống thư điện tử tự động (SIE).

Chị Phạm Thị Nhung – Công ty TNHH Ian Precision Việt Nam (Bắc Ninh) chia sẻ, trước đây, việc hỗ trợ, giải đáp vướng mắc về thuế được thực hiện qua qua 5 hình thức chính gồm: điện thoại; gửi văn bản; đặt câu hỏi tại hội nghị tập huấn, đối thoại; trực tiếp tại cơ quan thuế; hỏi đáp trên hệ thống thuế điện tử. Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, cơ quan thuế đã thiết lập nhiều kênh truyền thông trên không gian mạng để gia tăng mức độ kết nối, trao đổi thông tin với NNT như: website, tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube..., để cập nhật liên tục các văn bản chính sách mới. Thông qua các phương thức tuyên truyền điện tử, giúp doanh nghiệp nắm bắt chính sách được nhanh hơn, thuận lợi hơn, đối với những vấn đề còn vướng mắc, doanh nghiệp gọi điện đề nghị cơ quan thuế giải đáp thêm.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam