Thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư “xanh” là vô cùng quan trọng

16:50 | 29/07/2022 Print
(TBTCO) - Đây là một trong những vấn đề được TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh khi chia sẻ tại diễn đàn “Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư - Hỗ trợ phục hồi và phát triển” do TBTCVN tổ chức chiều 29/7 tại TP. Hồ Chí Minh.
Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư - Hỗ trợ phục hồi và phát triển Diễn đàn Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ sẽ diễn ra vào chiều 29/7 Tìm giải pháp để phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại diễn đàn.
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại diễn đàn.

Đã có mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể

Phân tích những lý do cần phải phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra 4 lý do chính.

Thứ nhất, xuất phát từ mối quan hệ tương quan chặt chẽ giữa môi trường và sức khỏe trong bối cảnh tỷ lệ dịch bệnh tăng khoảng 30% trong khoảng 20 năm vừa qua.

Thứ hai, Việt Nam đang nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và thay đổi hệ sinh thái sinh học. Tính toán sơ bộ, tổn thất từ thiên nhiên đem đến cho Việt Nam có thể lên đến 11% GDP vào năm 2100.

Thứ ba, việc phát triển kinh tế xanh mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn nhiều bởi cứ 1 triệu USD đầu tư vào năng lượng tái tạo, sẽ giúp tăng thêm ít nhất 5 việc làm so với mô hình kinh tế thông thường.

Cuối cùng, kinh tế xanh giúp tăng năng lực cạnh tranh, hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Nhận thức được tầm quan trọng của xu hướng đó, ngày ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với rất nhiều mục tiêu cụ thể.

Có thể kể đến như: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050; đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế.

Đề án cũng đặt chỉ tiêu đến năm 2025, các dự án kinh tế tuần hoàn bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, công nghệ và môi trường; góp phần phục hồi tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ tái chế rác thải, tỷ lệ nội địa hóa của nông sản và công nghiệp xuất khẩu.

Đến năm 2030, các dự án kinh tế tuần hoàn trở thành động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn, hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo và tăng cường tỷ lệ che phủ rừng.

TS. Cấn Văn Lực cho biết: “Chúng ta đã có những mục tiêu, chỉ tiêu phát triển rất cụ thể. Câu chuyện tiếp theo là tính toán, đo lường như thế nào cho phù hợp".

Diễn đàn thu hút sự có mặt của gần 200 đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực Đông Nam Bộ.
Diễn đàn thu hút sự có mặt của gần 200 đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực Đông Nam Bộ.

Tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên

TS. Cấn Văn Lực cũng thông tin, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã gợi ý cho Việt Nam 5 lĩnh vực ưu tiên để phát triển kinh tế xanh. Cụ thể là nông nghiệp - một lĩnh vực mà Việt Nam đang có lợi thế và chiếm khoảng 14% GDP hiện nay. Điều ta cần làm là tập trung phát triển nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao.

Lĩnh vực nữa là phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững, bởi đô thị đang chiếm 78% tiêu thụ năng lượng và 60 khí thải GHG toàn cầu; chuyển đổi năng lượng sạch; áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn và gìn giữ đại dương sạch và hiệu quả.

“5 lĩnh vực theo khuyến nghị của ADB rất phù hợp với nhu cầu phát triển tại Việt Nam hiện nay” - ông Lực nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để có thể phát triển các lĩnh vực trên, tiến tới đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh theo mục tiêu đã đặt ra, điều quan trọng nhất cần quan tâm chính là nguồn lực tài chính.

Theo ông Lực, hiện nay Việt Nam đang sở hữu nhiều cơ hội tài chính xanh như: Hành lang pháp lý cho tín dụng và cổ phiếu, trái phiếu xanh dần được hoàn thiện; định hướng và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đòi hỏi nguồn vốn quan trọng từ tín dụng, chứng khoán xanh. Đặc biệt, cam kết COP26 đòi hỏi Việt Nam đầu tư cho nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải các-bon thấp, quản lý nước, ứng phó biến đổi khí hậu…

Tăng trưởng xanh tại Việt Nam

2008: Chương trình mục tiêu quốc gia chống biến đổi khí hậu;

2012: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;

2015: Kế hoạch hành động của ngành tài chính, ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020;

2018: Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam;

2021: Sổ tay “Hướng dẫn trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững”;

10/2021: Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050;

11/2021: Cam kết giảm mức phát thải carbon về 0 tại Hội nghị COP26;

2022: Quy hoạch điện VIII.

Tuy nhiên, thách thức cũng còn nhiều. TS. Cấn Văn Lực chỉ ra như: Tài chính xanh dù đã được triển khai tại Việt Nam được gần 10 năm, nhưng quy mô vẫn còn nhỏ (tín dụng xanh chỉ chiếm 4,2% tổng dư nợ, phát hành trái phiếu xanh còn rất ít…).

Việc triển khai tín dụng xanh còn nhiều vướng mắc: Nguồn tài chính cho tín dụng xanh dựa nhiều vào các chương trình, dự án có nguồn tài trợ quốc tế, không dồi dào và đi kèm những điều kiện khắt khe; lượng phát hành trái phiếu xanh ít, việc tuân thủ các nguyên tắc phát hành trái phiếu xanh cũng không được tốt…

Đưa ra gợi mở, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần có những định giá, đánh giá tác động đối với từng ngành hàng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể.

Trong đó lưu ý một số nhóm giải pháp chính đó là: Hỗ trợ tài chính cho các sản phẩm, dịch vụ “xanh”; đầu tư cơ sở hạ tầng “xanh” với các dự án về năng lượng tái tạo, công nghệ khai khoáng; khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực như xe điện, xe tiết kiệm năng lượng.

Về chính sách, cần ban hành và áp dụng tiêu chí, tiêu chuẩn môi trường đối với ngành, nghề, lĩnh vực cụ thể; ban hành chính sách thay đổi hành vi (nhất là hành vi tiêu dùng, hành vi sinh hoạt..); cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với chiến lược phát triển chung kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, ông Lực nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của việc thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư “xanh” song hành với đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia quá trình xanh hóa; tăng hiệu quả phối kết hợp giữa các bên liên quan; xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường…

Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng sạch

Đối với các địa phương nằm trong vùng Đông Nam Bộ, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để phát triển kinh tế xanh, cần thiết phải xây dựng và thực thi chương trình, kế hoạch tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trong phạm vi, thẩm quyền.

Cùng với đó là lựa chọn 1 số lĩnh vực, dự án ưu tiên cụ thể và có lộ trình, giải pháp thực hiện rõ ràng, khả thi…; áp dụng 1 số chính sách khuyến khích và chế tài phù hợp; xây dựng và thực thi “văn hóa xanh”; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và xử lý rác thải, vấn đề cấp - thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; có phương án huy động nguồn lực, tài chính xanh khả thi, phù hợp.

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam