Hàng hóa vẫn đắt đỏ dù giá xăng dầu đã giảm sâu

16:19 | 30/07/2022 Print
(TBTCO) - Sau 2 kỳ điều chỉnh gần đây, giá xăng dầu trong nước đã giảm sâu từ 33.000 đồng về sát mốc 26.000 đồng/lít. Hơn bao giờ hết, người dân và doanh nghiệp mong chờ hiệu ứng giảm giá xăng dầu sẽ tác động thiết lập mặt bằng giá mới thấp hơn hiện tại.
Hàng hóa vẫn đắt đỏ dù giá xăng dầu đã giảm sâu
Quày bán thực phẩm tại quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Thiếu hụt nguồn cung nhiều mặt hàng

Xăng dầu tăng phi mã suốt nửa năm khiến các loại hàng hóa khác tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Sau gần 2 tuần xăng dầu giảm giá mạnh, chị Nguyễn Kim Ánh ở phường 22, quận Bình Thạnh kỳ vọng những món hàng phục vụ bữa ăn hàng ngày sẽ hạ nhiệt. Nhưng vào các cửa hàng tiện lợi của Sài Gòn Co.op hay Satra Food, WinMart gần nhà chưa cảm nhận được sự thay đổi giá cả hàng hóa.

“Tôi đi 3 cửa hàng tiện lợi để mua chai dầu ăn nhưng nơi nào cũng bán trên 55.000 đồng/lít. Trong khi cùng thời điểm này năm ngoái, ngay trước dịch, dầu ăn có loại chỉ hơn 30.000 đồng/lít. Tại sao xăng dầu giảm mạnh như thế mà hàng hóa tiêu dùng vẫn đắt đỏ như vậy?”- chị Kim Ánh đặt câu hỏi mà không giấu được sự lo lắng.

Còn bà Nguyễn Thị Hồng Nga, có một sạp hàng bán hủ tiếu ở chợ Tân Định, quận 1, TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều tháng nay, từ đôi đũa, hộp giấy, ống hút đến chai nước tương đều liên tục tăng giá nhưng bà không tăng giá bán mỗi tô hủ tiếu. “Sau dịch đến giờ buôn bán ế ẩm, nếu mình cứ tăng giá thì không còn ai ghé quán mình nữa. Chấp nhận gồng gánh thôi”- bà Nga than thở.

Gồng gánh với bão giá nhiều tháng cho nên sau hai đợt giảm giá xăng dầu gần đây, những tiểu thương như bà Nga trông chờ các mặt hàng khác cũng hạ nhiệt để người dân làm ăn dễ dàng hơn. Nhưng thực tế không như mong đợi.

Ông Nguyễn Văn Vân có một quán cơm bình dân ở phường Phú Hữu, TP Thủ Đức nên ngày nào cũng đi chợ đầu mối. Trước đây mỗi lần giá xăng dầu tăng thì hàng hóa ở chợ đồng loạt tăng nhưng sau 2 lần giá xăng dầu giảm mạnh, ông Vân nói, giá thực phẩm chưa thấy giảm, thậm chí thịt heo đang xu hướng tăng giá.

Một tiểu thương tại phường Phú Hữu TP Thủ Đức cho biết, một tuần nay đầu mối liên tục báo tăng giá heo hơi thêm 2.000 đồng/kg. Đây cũng là tình cảnh chung của các tiểu thương tại chợ Hòa Bình, quận 5. Ông Phạm Như Nghĩa, một tiểu thương chợ Hòa Bình cho biết, hai tuần nay vẫn duy trì lượng bán ra nhưng giá thịt từ nhà cung cấp về chợ đã tăng hơn 20.000 đồng/kg.

Hàng hóa vẫn đắt đỏ dù giá xăng dầu đã giảm sâu
Người dân lựa chọn mua hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: Minh họa

Nguyên nhân này cũng được xác nhận từ một doanh nghiệp cung ứng trứng gia cầm đóng tại địa bàn quận 12, TP.Hồ Chí Minh. Ông Trương Chí Thiện -Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt thông tin, mặt bằng giá trứng gia cầm có xu hướng tăng do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong nhiều tháng qua.

“Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng. Bởi vì thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đang bị ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ucraina. Vì thế dù giá xăng dầu đã 2 lần giảm giá sâu nhưng chưa tác động đến việc giảm giá thành trên mỗi quả trứng gia cầm”.

Theo lý giải của các đầu mối, hiện nay nguồn cung chăn nuôi giảm đã đẩy mặt bằng thực phẩm tăng.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Huân -Tổng giám đốc Công ty CP Ba Huân, một trong những đơn vị chủ lực trong chương trình bình ổn giá với mặt hàng trứng và thịt chế biến từ gia cầm của TP.Hồ Chí Minh cho biết, khi nông dân gầy đàn, tái đàn thì phải sau 6 - 8 tháng mới cho sản phẩm ra thị trường. Các biện pháp kiểm soát mặt bằng giá cả hàng hóa phải có độ trễ thời gian cho nên rất cần Chính phủ vào cuộc sớm hỗ trợ người chăn nuôi.

Linh hoạt nhiều giải pháp

Có thể nói, giá xăng dầu giảm sâu sau 2 lần điều chỉnh gần đây vẫn chưa có tác động rõ ràng đến bữa ăn của người dân. Dư luận cho rằng, hàng hóa khi đã tăng giá thì rất khó hạ xuống mặt bằng giá mới.

Hơn bao giờ hết, người dân và doanh nghiệp mong chờ hiệu ứng giảm giá xăng dầu sẽ tác động thiết lập mặt bằng giá mới thấp hơn hiện tại.

Trước những lo lắng, bức xúc, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, nhiều ngày qua, bên cạnh việc sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu thì thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã giảm 2 lần từ tháng 4 đến nay về mức kịch khung xuống mức giá sàn trong biểu thuế suất. Chính phủ cũng đang tính toán giảm thêm các loại thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT để trình Quốc hội.

Trước diễn biến các mặt hàng thực phẩm và giá nhiên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao, ngày 23/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo cân đối cung - cầu nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá.

Với mặt hàng giáo dục chiếm tỉ trọng lớn trong rổ hàng hóa tính CPI cũng được kiểm soát. Các địa phương đồng loạt ủng hộ đề xuất của Bộ Giáo dục và đào tạo miễn học phí bậc trung học cơ sở để chia sẻ khó khăn với người dân. Đồng thời Bộ cũng chưa tăng học phí bậc mầm non và phổ thông trong năm học tới như lộ trình đề xuất trước đó. Mới đây nhất, EVN chủ động đề xuất chưa tăng giá điện./.

Ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên ký ban hành công điện gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.

Gia Cư - Băng Tâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam