Đắk Lắk: Phát triển kinh tế xanh bền vững gắn với bảo vệ môi trường

14:15 | 02/08/2022 Print
(TBTCO) - Trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Đắk Lắk đang tập trung ưu tiên kêu gọi và thực hiện các dự án đầu tư theo định hướng kinh tế xanh, bền vững với quy mô lớn; kỳ vọng không chỉ thu hút đầu tư, mà còn tạo ra chuỗi giá trị kinh tế liền mạch, hiệu quả bền vững.
Đắk Lắk: Phát triển kinh tế xanh bền vững gắn với bảo vệ môi trường
Trung tâm Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: Sơn Nam

Cam kết hợp tác đầu tư bền vững

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ, việc thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Đắk Lắk là một trong những chủ trương đúng đắn của tỉnh để phát triển bền vững kinh tế - xã hội; đồng thời tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tộc thiểu số và phát triển kinh tế - xã hội theo các mốc tăng trưởng như lộ trình đã đề ra.

Ông Nguyễn Đình Trung - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, năm 2022 tỉnh duy trì thực hiện phương châm “các nhà đầu tư đầu tư tại Đắk Lắk là công dân của Đắk Lắk, thành công của nhà đầu tư chính là thành công của Đắk Lắk”. Do đó, tỉnh Đắk Lắk luôn trân trọng chào đón nhà đầu tư trong và ngoài nước đã, đang và sẽ đến đầu tư, kinh doanh tại địa bàn.

Theo ông Trung, với chủ trương nhất quán, xuyên suốt, tỉnh Đắk Lắk khẳng định sẽ luôn song hành, hỗ trợ, lắng nghe và hợp tác để phục vụ tốt nhất cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững.

Đắk Lắk: Phát triển kinh tế xanh bền vững gắn với bảo vệ môi trường
Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Sơn Nam

“Tỉnh Đắk Lắk cũng cam kết tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư thông qua việc thực hiện nhất quán chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuê đất, đầu tư kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư” - ông Trung khẳng định.

Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính, cam kết cung cấp đủ lao động có chất lượng, phù hợp với hoạt động đầu tư; hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động...

Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, đây là tiền đề quan trọng để hoạt động thu hút đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến và khởi sắc trong thời gian tới.

Thực hiện phương châm nhất quán này, trong nửa đầu năm 2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã kêu gọi, trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 1 nghìn tỷ đồng; trao 8 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư, với tổng giá trị cam kết đầu tư là trên 23 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, tỉnh Đắk Lắk cũng đã giới thiệu 109 danh mục các dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản của tỉnh để các doanh nghiệp, nhà đầu tư biết, nghiên cứu và đến tìm hiểu đầu tư.

Điển hình trong số các dự án này có dự án “Chuỗi giá trị dược liệu gắn với phát triển rừng bền vững khu vực Tây Nguyên - mô hình điểm tại Đắk Lắk”, quy mô hơn 1.000 ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên đến 3.000 tỷ đồng, là chuỗi sản xuất dược liệu khép kín đầu tiên tại Việt Nam đạt chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng với đó là Dự án điện mặt trời Ea Súp, với số vốn đầu tư ban đầu lên đến hơn 46.000 tỷ đồng, sẽ cung cấp khoảng 4,4 triệu MWh/năm, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu phát thải khí CO2…

Ưu tiên phát triển kinh tế xanh, gắn với bảo vệ môi trường

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Đắk Lắk là một trong những tỉnh có tiềm năng và lợi thế lớn phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Thực tế, địa phương này đang có thế mạnh đứng đầu cả nước về cà phê, hồ tiêu, ca cao, mắc ca…

Trong lộ trình phát triển kinh tế mang tính đột phá, để phát triển kinh tế nông nghiệp xanh mang tính bền vững, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Đắk Lắk cần chủ động chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp có các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân gắn kết.

“Ban lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp, nhà đầu tư tăng cường kết nối, khai thác tiềm năng lợi thế về con người, đất đai, khí hậu, môi trường, vị trí kết nối hạ tầng giao thông, logistics và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực…” - ông Tiến gợi mở.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tập trung vào việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, điều phối các hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn mang tính liên vùng, liên tỉnh.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Đắk Lắk cũng đang hướng đến mục tiêu chế biến sâu, đảm bảo xuất khẩu cất lượng cao, giảm thiểu tối đa tác động môi trường.

Bên cạnh đó, khai thác lợi thế, tiềm năng phát triển sản phẩm đặc sản kết nối với phát triển du lịch bản địa để tạo chuỗi giá trị tuần hoàn, mang lại lợi ích kinh tế cao và bền vững.

Các dự án nông nghiệp lớn đầu tư trên địa bàn tỉnh không chỉ đóng góp hàng trăm tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách, đóng góp thúc đẩy sự tăng trưởng của địa phương, mà còn mang lại sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam