Chính sách cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhìn từ Tập đoàn Viettel

23:22 | 03/08/2022 Print
(TBTCO) - Chiều 3/8, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo xây dựng đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã có buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chủ trì buổi làm việc.
Chính sách phát triển công nghiệp quốc gia: Phải coi trọng đổi mới sáng tạo Không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp Thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng bày tỏ vui mừng được đón đoàn công tác đến làm việc. Theo lãnh đạo tập đoàn, đây là cơ hội để tập đoàn được báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những khó khăn, tồn tại hiện nay của tập đoàn; đồng thời cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách mới cho phát triển công nghệ cao, chuyển đổi số, đầu tư ra nước ngoài để Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng đề án có thêm những thông tin trong quá trình nghiên cứu, xây dựng đề án, tham mưu những chủ trương, chính sách về công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) thời gian tới.

Trần Tuấn Anh
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh

Tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, đoàn công tác mong muốn được lắng nghe báo cáo trực tiếp của các thành viên Ban Chỉ đạo, nhất là của Tập đoàn Viettel về những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện CNH, HĐH trong thời gian qua; những kiến nghị, đề xuất về chủ trương, chính sách phù hợp trong bối cảnh mới. Đồng thời, quan điểm của Tập đoàn Viettel về xác định các ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn trong thời gian tới; cũng như đề xuất các cơ chế, chính sách xác định các doanh nghiệp dẫn dắt, nhất là đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để thực hiện vai trò dẫn dắt CNH, HĐH trong các lĩnh vực; các đề xuất để cụ thể hóa chủ trương về tăng cường liên kết giữa công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng…

Kỳ vọng Viettel đóng vai trò dẫn dắt

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tin tưởng rằng, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Viettel sẽ là đơn vị tiên phong đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ đó, lan toả ra các lĩnh vực; đóng vai trò là doanh nghiệp dẫn dắt trong ngành viễn thông - công nghệ thông tin ở Việt Nam, đóng góp vào quá trình CNH, HĐH đất nước.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, đề cập tới những vấn đề cần quyết sách chính trị của Ban Chấp hành Trung ương để tháo gỡ hoặc định hướng phát triển trong thời gian tới; đề xuất góp ý vào nội dung đề án và những điểm cần làm rõ; những điểm mới đề án như: cần nghiên cứu, xem xét về khái niệm và nội hàm của khái niệm CNH, HĐH; xác định các lĩnh vực chú trọng như công nghiệp nền tảng, công nghệ lõi để đề xuất nhiệm vụ và giải pháp CNH, HĐH phù hợp; xác định các doanh nghiệp dẫn dắt và có cơ chế, chính sách đột phá, nhất là đối với DNNN để thực hiện vai trò dẫn dắt CNH, HĐH trong các lĩnh vực…

Toàn cảnh cuộc làm việc
Toàn cảnh cuộc làm việc

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cảm ơn các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn và trực diện của các đại biểu, nhất là của Tập đoàn Viettel, đã đề cập tới nhiều nội dung quan trọng, bao gồm những tồn tại, vướng mắc đã được nhận diện trong quá trình thực hiện CNH, HĐH nói chung.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Viettel trong quá trình CNH, HĐH đất nước và khẳng định, Viettel là một minh chứng điển hình cho vai trò quan trọng của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một doanh nghiệp có khát vọng lớn, mở rộng không ngừng, bắt nhịp cùng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để vươn lên mạnh mẽ.

Theo các đại biểu, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, vướng mắc làm cản trở quá trình phát triển công nghiệp công nghệ cao như chưa có cơ chế giao những nhiệm vụ cho các DNNN thực hiện một số dự án/nhiệm vụ quan trọng, thuộc các lĩnh vực mới, lĩnh vực khó, mang tính chất mở đường, dẫn dắt; cơ chế, hỗ trợ điều phối để tạo ra sự hợp lực giữa các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế trong nước để phát triển một số công nghệ/sản phẩm nền tảng, đột phá; còn chậm triển khai xây dựng cơ chế, chính sách theo mô hình sandbox để triển khai các công nghệ, dịch vụ mới nhất; thể chế hóa chủ trương về quỹ đầu tư mạo hiểm đối với các DNNN…

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam