Triển lãm chuyển đổi số ngành ngân hàng tại Hà Nội

12:12 | 04/08/2022 Print
(TBTCO) - Ngày 4/8/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ trì tổ chức triển lãm chuyển đổi số ngành ngân hàng. Trong đó, nhiều dịch vụ công nghệ ngành ngân hàng đã được trình diễn và giới thiệu với người dân.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng” nhằm đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ, triển khai các nhiệm vụ kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần lan tỏa tinh thần, chuyển đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành ngân hàng về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.

Triển lãm chuyển đổi số ngành ngân hàng tại Hà Nội
Triển lãm có sự góp mặt của cả 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước lớn gồm Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank. Ảnh: Chí Tín.

Tại sự kiện này, một số ngân hàng đã trình diễn demo công nghệ (mở tài khoản, phát hành thẻ eKYC trên cơ sở kết nối M.O.C với căn cước công dân gắn chịp hoặc kết nối, sử dụng tài khoản định danh xác thực điện tử…) với sự tham gia của các đơn vị tiêu biểu (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Techcombank, Nam Á, Napas…).

Triển lãm cũng trưng bày các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Trong đó, các đơn vị tham gia gồm 4 đơn vị thuộc khối ngân hàng thương mại nhà nước: Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank; 8 đơn vị thuộc khối ngân hàng thương mại cổ phần: TPBank, Techcombank, VIBank, MBBank, ACB, KienLongBank, NamABank, HDBank và 1 đơn vị thuộc khối công ty trung gian thanh toán là VNPay.

Triển lãm chuyển đổi số ngành ngân hàng tại Hà Nội
Triển lãm thu hút sự quan tâm đông đảo của người dân. Ảnh: Chí Tín.

Ngày 11/5 là Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Ngày 11/5/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thời điểm tháng 5 cũng diễn ra 2 sự kiện lớn có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của ngành ngân hàng là: kỷ niệm Ngày thành lập ngành 6/5 và Ngày khoa học công nghệ 18/5. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước cho biết, để ghi dấu ấn cho hoạt động chuyển đổi số của ngành, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, ngày 11/5 được chọn là Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Các công nghệ, dịch vụ tiêu biểu được các đơn vị đưa ra giới thiệu gồm dịch vụ ngân hàng trực tuyến; máy giao dịch ngân hàng tự động, chi nhánh ngân hàng 4.0, các dịch vụ thanh toán hiện đại như thanh toán QR code, Tap to pay, Livebank, thanh toán phi tiếp xúc...

Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng là một cấu phần trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Kế hoạch được xây dựng, tiếp cận theo hướng đặt người dân, khách hàng ở vị trí trung tâm. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch mặc dù được phân chia theo nhóm ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng, nhưng đều hướng tới việc phục vụ tốt hơn cho người dân, cho khách hàng.

Việc xác định mục tiêu tổng quát tại kế hoạch chuyển đổi số được tiếp cận từ góc độ là ngành ngân hàng là bên cung ứng dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, phục vụ khách hàng và cách tiếp cận này cũng được thống nhất, xuyên suốt từ quan điểm xây dựng kế hoạch. Đó là “nâng cao chất lượng cung ứng sản phẩm, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu khách hàng là thước đo hiệu quả của quá trình chuyển đổi số”.

Hoàn thiện hệ thống khung pháp lý hỗ trợ cho chuyển đổi số

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chủ động nghiên cứu và ban hành quy định kịp thời, phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động chuyển đổi số như: Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, trung gian thanh toán, mở tài khoản và nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ chip...) tăng cường chuẩn hóa, tăng tính liên thông trong ngành Ngân hàng và giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác.

Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với các bộ, ngành khác và chủ động rà soát thường xuyên khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển hoạt động ngân hàng số.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam