Xu hướng phục hồi của thị trường chứng khoán được hỗ trợ từ yếu tố vĩ mô và định giá

20:44 | 04/08/2022 Print
(TBTCO) - Xu hướng phục hồi trong dài hạn được hỗ trợ rất nhiều từ các yếu tố cơ bản từ vĩ mô và định giá. Tuy nhiên trong ngắn hạn, thị trường có thể xuất hiện những đợt rung lắc do tác động từ các yếu tố tâm lý. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng nhóm Phân tích chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, về những yếu tố tác động tới thị trường chứng khoán trong tháng 8.

PV: Thưa ông, thị trường chứng khoán gần đây giao dịch khởi sắc hơn, với dòng tiền được cải thiện. Ông có nhận xét gì về diễn biến thị trường trong những phiên giao dịch gần đây?

Dòng tiền từ nhà đầu tư ngoại đang là hỗ trợ quan trọng với thị trường khi xu hướng của khối này là mua ròng từ tháng 4/2022 cho đến nay. Vì thế khả năng cao thị trường sẽ có sự phục hồi trong tháng 8

Xu hướng phục hồi của thị trường chứng khoán được hỗ trợ từ yếu tố vĩ mô và định giá
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Tôi cho rằng giai đoạn vừa qua của thị trường là giai đoạn tích lũy cho một xu hướng mới. Trước đó khi thanh khoản thị trường giảm sút nhiều, nhà đầu tư có phần lo lắng khi thanh khoản ở mức thấp trong vài tuần do cho rằng thanh khoản thấp cho thấy dòng tiền đang có sự thận trọng với thị trường. Tuy nhiên, khi nhìn vào khối lượng chúng ta cần phân tích thêm xu hướng của thị trường để có cái nhìn chính xác về bức tranh toàn cảnh.

Nếu thị trường đang ở vùng đỉnh và thanh khoản thấp đó có thể là một dấu hiệu tạo đỉnh khi dòng tiền đang thận trọng với xu hướng tăng. Nhưng khi thị trường đã trải qua một giai đoạn điều chỉnh mạnh, thì khối lượng thấp lại cho thấy thị trường có thể hình thành một đáy quan trọng. Vì thế, ở giai đoạn hiện tại khả năng thị trường hình thành một đáy quan trọng là khá lớn.

PV: Với chỉ số hiện tại, liệu thị trường đã có thể xác định được xu hướng trong thời gian tới? Tháng 8 thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ra sao và những nhân tố nào sẽ tác động đến thị trường, thưa ông?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 1.200 điểm và cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, khả năng chỉ số đang bước vào một giai đoạn phục hồi là rất lớn.

Thứ nhất, chỉ số có những phiên bứt phá với khối lượng gia tăng, điều này hàm ý dòng tiền đang hỗ trợ cho sự bứt phá này. Nếu đặt những phiên bứt phá này trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp trong thời gian qua, thì đây có thể là một tín hiệu quan trọng xác nhận cho sự phục hồi trong ngắn hạn.

Xu hướng phục hồi của thị trường chứng khoán được hỗ trợ từ yếu tố vĩ mô và định giá
Ở giai đoạn hiện tại khả năng thị trường hình thành một đáy quan trọng. Ảnh: T.L

Thứ hai, một số nhóm tín hiệu kỹ thuật quan trọng đã cho tín hiệu mua trong ngắn hạn. Do đó, xu hướng tăng gần như đã được xác nhận.

Thứ ba, dòng tiền từ nhà đầu tư ngoại đang là hỗ trợ quan trọng với thị trường, khi xu hướng của khối này là mua ròng từ tháng 4/2022 cho đến nay. Vì thế, khả năng cao thị trường sẽ có sự phục hồi trong tháng 8.

PV: Thưa ông, ở góc nhìn xa hơn, liệu chúng ta có thể kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng của thị trường trong những tháng còn lại của năm 2022?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Sau đợt suy giảm trong quý II/2022, thị trường chứng khoán đã điều chỉnh về mức hấp dẫn, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về một sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2022.

Thứ nhất, nền kinh tế vẫn đang phục hồi. Các số liệu vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy sự phục hồi tốt, xu hướng này bắt đầu từ tháng 10/2021 đến nay. Tuy có một vài thời điểm đà phục hồi có phần chậm lại, nhưng xu hướng chung của nền kinh tế vẫn là tăng trưởng. Sự phục hồi của nền kinh tế trái ngược với sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán. Vì thế, trước sau gì thị trường cũng phải tăng trưởng để phản ánh lại sự phục hồi này.

Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam đang mở cửa trở lại một cách mạnh mẽ. Các biện pháp phòng chống dịch cơ bản đã được dỡ bỏ hoàn toàn, với tỷ lệ tiêm vắc-xin ở mức cao. Điều này giúp Việt Nam trở thành điểm sáng với nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, định giá hấp dẫn. Nếu sử dụng hệ số PE forward để định giá thị trường chứng khoán, thì hệ số này đang ở ngưỡng 11 - 12x, gần với mức PE forward của thị trường vào tháng 3/2020 khi dịch bắt đầu bùng phát. Đây cũng là mức thấp nhất nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

PV: Thời gian qua nhiều nhóm cổ phiếu đã chiết khấu ở mức khá lớn, vậy nhóm cổ phiếu nào có tiềm năng trong những tháng cuối năm?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Nhà đầu tư có thể quan sát vào 2 nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản khu công nghiệp. Sau đợt điều chỉnh vừa rồi, nhiều cổ phiếu ngân hàng đều trở về vùng giá khá hấp dẫn. Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận của nhóm này vẫn được duy trì ở mức hấp dẫn. Vì thế, đây có thể là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong giai đoạn tới.

Với nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nhu cầu sử dụng đất ở các khu công nghiệp đang gia tăng, theo nhu cầu của dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn cung bất động sản công nghiệp cung đang bị hạn chế và nhiều khu công nghiệp ở vị trí thuận lợi không còn nhiều. Vì thế, tiềm năng của một số doanh nghiệp trong ngành là rất lớn.

PV: Ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư khi giao dịch trong giai đoạn hiện nay?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Tuy xu hướng phục hồi trong dài hạn được hỗ trợ rất nhiều từ các yếu tố cơ bản từ vĩ mô và định giá. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường có thể xuất hiện những đợt rung lắc do tác động từ các yếu tố tâm lý. Vì thế, nhà đầu tư ở giai đoạn này cần bám sát chiến lược đầu tư của cá nhân, quản trị rủi ro và hạn chế sử dụng margin khi những tín hiệu xác nhận về sự phục hồi trong ngắn hạn chưa xuất hiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Một số yếu tố cơ bản có thể ảnh hưởng đến thị trường

Ngoài các yếu tố kỹ thuật, một số yếu tố cơ bản có thể ảnh hưởng đến thị trường trong giai đoạn này có thể là: diễn biến của tỷ giá, hiện tỷ giá đang chịu áp lực khá lớn khi Fed vừa nâng lãi suất, nếu tỷ giá tăng mạnh trong thời gian tới, có thể tạo áp lực lớn lên nền kinh tế. Room tín dụng của các ngân hàng, hiện dư địa cho vay của các ngân hàng hầu như không còn. Nếu duy trì trong một thời gian dài, điều này sẽ gây áp lực không nhỏ lên nền kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh nói riêng.

Hồng Quyên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam