Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà phục hồi tích cực

19:26 | 04/08/2022 Print
(TBTCO) - 7 tháng đầu năm 2022, các chỉ số phát triển của kinh tế TP. Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả tích cực như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,7%; 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 12,2%; tổng thu ngân sách nhà nước tăng 20,1%...

Kinh tế phục hồi nhanh, đồng bộ và toàn diện

Sáng 4/8, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 8/2022.

Báo cáo tại buổi họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, các lĩnh vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,7% (so với cùng kỳ năm 2021), trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 12,2%. Hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại làm việc.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo tại buổi họp. Ảnh Việt Dũng
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi họp. Ảnh Việt Dũng

Nhiều doanh nghiệp (DN) đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường. Hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động khi khách du lịch quay trở lại thành phố và nhiều hoạt động khuyến mại tập trung được tổ chức. Khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 17,7%...

7 tháng đầu năm 2022, các chỉ số phát triển của TP. Hồ Chí Minh như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP, tổng thu ngân sách nhà nước, hoạt động xuất nhập khẩu, vận tải hành hành, thu ngân sách nhà nước… đều tăng trưởng tích cực cho thấy kinh tế - xã hội địa phương đang phục nhanh, khá đồng bộ và toàn diện.

Trong khi đó, cân đối xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì ở mức tích cực, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 14,8% và xuất siêu ước đạt 764 triệu USD. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và thị trường trong nước tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và có bước phát triển, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16%, gấp gần 1,5 lần trung bình cùng kỳ các năm 2018-2019, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 11,9%, nhu cầu tiêu dùng trong nước lấy lại đà tăng trưởng tốt.

Về hoạt động thu chi ngân sách nhà nước (NSNN), Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh Phạm Thị Hồng Hà cho biết, tổng thu NSNN (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 282.965 tỷ đồng, đạt 73,2% dự toán năm và tăng 20,01%. Trong đó, thu nội địa 200.955 tỷ đồng, đạt 74,41% dự toán, tăng 23,12%. Tổng chi ngân sách địa phương 7 tháng đầu năm (không tính tạm ứng) ước thực hiện 33.080 tỷ đồng, đạt 33,19% dự toán, giảm 4,24%. Trong đó, chi đầu tư 6.977,2 tỷ đồng, đạt 16,02% dự toán, giảm 32,28%; chi thường xuyên 24.679,208 tỷ đồng, đạt 50,71% dự toán, tăng 11,73%.

Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh Phạm Thị Hồng Hà báo cáo tình hình thu chi ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2022. Ảnh Việt Dũng
Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh Phạm Thị Hồng Hà báo cáo tình hình thu chi ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2022. Ảnh Việt Dũng

Duy trì đà phục hồi kinh tế, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Mặc dù kinh tế tỏ rõ dấu hiệu tăng trưởng tích cực nhưng rủi ro, thách thức vẫn còn rất lớn, nhất là những vấn đề khó dự báo do phụ thuộc điều hành chính sách của các quốc gia lớn trên thế giới như giá cả, nguồn cung xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao…, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, yếu tố tâm lý, thời điểm gia tăng nhu cầu vào cuối năm tạo áp lực lạm phát, gia tăng chi phí sản xuất.

‘‘Trước những diễn biến khó lượng, nếu không có giải pháp điều hành, hỗ trợ kịp thời, có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực; từ đó tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống người dân…’’ – bà Lê Thị Huỳnh Mai nói.

Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Phan Văn Mãi nhìn nhận, tình hình kinh tế - xã hội thành phố 7 tháng đầu năm có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực. Nhưng những dấu hiệu, yếu tố mới làm chậm quá trình phục hồi kinh tế cũng xuất hiện. Một số ngành có dấu hiệu chững lại, đơn cử ngành điện tử phục hồi chưa như yêu cầu. Bên cạnh đó, một số yếu tố mới đang tiềm ẩn và có khả năng tác động đến vĩ mô, đời sống người dân, các yếu tố gây khó khăn, bất lợi như khan hiếm nguồn nguyên liệu cho sản xuất một số ngành công nghiệp, giá cả đầu vào cao…

Chủ tịch Phan Văn Mãi đã chỉ đạo 5 nhóm công việc chung cần tập trung giải quyết trong tháng 8/2022. Đó là tập trung kiểm soát dịch bệnh Covid-19, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ; cụ thể hóa triển khai các nghị quyết của Trung ương và Hội đồng nhân dân thành phố; định hình một số nội dung tăng tốc trong năm 2023; hoàn thiện công tác tham mưu tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội; tập trung thúc đẩy, đặc biệt là tăng cường kỷ luật kỷ cương trong thủ tục hành chính. Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành để thực hiện quyết liệt trong tháng 8/2022, đặc biệt liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.

Tập trung công tác giải ngân vốn đầu tư công

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, trong tháng 8/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung hơn nữa cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và chuẩn bị kế hoạch đầu tư công năm 2023. Sở Tài chính tập trung nhiệm vụ chi đầu tư công, điều chỉnh quỹ đầu tư công. Sở Xây dựng triển khai chương trình nhà ở, xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, nhà ven kênh rạch; dự án chống ngập; hoàn thiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung cao cho các dự án đầu tư công; thẩm định giá, giải phóng mặt bằng…

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam