TP. Hồ Chí Minh: Chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư theo 4 định hướng

11:07 | 06/08/2022 Print
(TBTCO) - TP. Hồ Hồ Minh chủ động thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư lựa chọn thành phố là điểm đến. Đây được xem là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của thành phố năng động này trong thời gian tới.
TP. Hồ Chí Minh: Chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư theo 4 định hướng

Hội nghị giới thiệu tiềm năng, cơ hội thương mại, đầu tư, du lịch của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương với cơ quan ngoại giao, đại diện thương mại, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam, do Bộ Công thương tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 5/8.

Ảnh: Băng Tâm

Nhiều dự án ưu tiên

Đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh khẳng định như vậy, tại hội nghị giới thiệu tiềm năng, cơ hội thương mại, đầu tư, du lịch của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương với cơ quan ngoại giao, đại diện thương mại, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam, do Bộ Công thương tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 5/8.

Thông tin với các cơ quan xúc tiến thương mại quốc, ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh, nêu rõ những lĩnh vực mà TP. Hồ Chí Minh đang ưu tiên thu hút đầu tư.

Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; có mức độ kết nối, thu hút và chuyển giao công nghệ của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước cao, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Định hướng và chính sách ưu đãi đầu tư của TP. Hồ Chí Minh theo 4 chủ trương: ưu tiên thu hút đầu tư các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, có sử dụng công nghệ cao, R&D; ưu tiên các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường; ưu tiên các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học công nghệ cao; ngành kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ưu tiên các ngành công nghệ thông tin; ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Ông Lữ cũng nêu rõ, TP. Hồ Chí Minh xác định trọng tâm thu hút đầu tư nước ngoài tại các thị trường và đối tác truyền thống, đồng thời chủ động mở rộng hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường và đối tác mới tiềm năng gắn liền với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết; chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ với những dự án hợp tác đầu tư thành công cụ thể và với những nhà đầu tư lớn, có tính chiến lược hoặc các tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư thành công tại Việt Nam; nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh với các địa phương trọng điểm thuộc các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam.

Bên cạnh việc áp dụng các chính sách của trung ương, TP. Hồ Chí Minh đã chủ động thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư lựa chọn thành phố là điểm đến của các dự án đầu tư. Cụ thể: Thành phố đã cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với tổng thời gian theo luật định. Ví dụ cấp mới dự án còn 10 ngày so với 15 ngày, điều chỉnh dự án còn 7 ngày so với 10 ngày, thông báo góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp còn 10 ngày so với 15 ngày, nộp trực tuyến được giảm còn 8 ngày.

Tất cả yếu tố trên đây đã tạo cho TP. Hồ Chí Minh có những thế mạnh đặc biệt và riêng có mà các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước có thể đặt niềm tin lựa chọn TP. Hồ Chí Minh làm nơi đầu tư kinh doanh lâu dài, mang lại hiệu quả kinh tế, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố nói riêng cũng như sự phát triển kinh tế xã hội của vùng và cả nước nói chung.

Kỳ vọng bứt phá

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 nhưng đến nay kinh tế thành phố đang phục hồi nhanh và tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2022 với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 3,82%, từ mức giảm sâu ở quý III và quý IV năm 2021 lần lượt là -24,97% và - 11,64% đến quý I và quý II/2022 tăng lần lượt là 1,88% và 5,73%, tốc độ tăng trưởng GRDP quý II cao gấp hơn 3 lần quý I. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 3,1%.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố thu hút được 2,18 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, tăng 60,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 291 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 223,75 triệu USD (tăng 5,43% số dự án cấp mới, giảm 1,28% về vốn đầu tư so với cùng kỳ).

TP.Hồ Chí Minh: Chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư theo 4 định hướng
Một góc trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Cư

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thực tế là TP. Hồ Minh vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc kiềm chế lạm phát trong điều kiện giá nguyên liệu tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là kết cấu hạ tầng quá tải, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; các dự án phát triển đô thị mới, chỉnh trang đô thị thực hiện chậm, thiếu hụt quỹ nhà ở xã hội cho người dân thành phố.

Với lợi thế riêng có của mình, thành phố là trung tâm giao thương quốc tế của vùng và cả nước với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không đang được tập trung nguồn lực để đầu tư nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển; đặc biệt là tuyến đường vành đai 3, tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí minh - Mộc Bài với quyết tâm đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2026 sẽ tăng cường kết nối liên vùng giữa TP. Hồ Chí Minh với tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Một trong những thuận lợi lớn nhất của TP. Hồ Chí Minh là hạ tầng khoa học công nghệ tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao đủ lớn để hỗ trợ thành phố trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ cao lớn của Việt Nam, cụ thể thành phố có trên 314 tổ chức khoa học và công nghệ; 109 trường đại học, cao đẳng; 279 phòng thí nghiệm; gần 20.000 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã hình thành trên 135 nhóm nghiên cứu mạnh và năng động, tham gia hợp tác quốc tế.

Về hạ tầng phát triển công nghiệp, TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu của cả nước trong việc triển khai xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Hiện tại, thành phố đã có 17 khu công nghiệp và 2 khu chế xuất đi vào hoạt động với tổng quy mô diện tích khoảng 4.000 ha. TP. Hồ Chí Minh cũng sở hữu Khu công nghệ cao thành công nhất Việt Nam với quy mô khoảng 913 ha, đã thu hút nguồn vốn FDI khoảng 5,4 tỷ USD với nhiều doanh nghiệp uy tín toàn cầu như Intel, Samsung, Nidec…

Thành phố cũng đang tập trung triển khai quy hoạch TP. Thủ Đức thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố để trở thành hạt nhân phát triển của kinh tế số, kinh tế tri thức cho TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam. Khu này có diện tích 22.000 ha, hiện có một triệu dân, có mật độ các trường đại học lớn nhất của Việt Nam (ở đây có 12 trường đại học với 70.000 sinh viên, hơn 5 ngàn tiến sĩ là giáo viên) và có Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được đầu tư xây dựng với mục tiêu trở thành đô thị hiện đại nhất Việt Nam, trong đó có một trung tâm tài chính quốc tế./.

Về hạ tầng phát triển thương mại, TP. Hồ Chí Minh hiện có hạ tầng thương mại hiện đại và phát triển rộng khắp các địa bàn quận, huyện với 238 chợ (3 chợ đầu mối; 14 chợ hạng I; 52 chợ hạng II; 169 chợ hạng III), 206 siêu thị (55 siêu thị hạng I; 72 siêu thị hạng II; 79 siêu thị hạng III), 49 trung tâm thương mại (20 trung tâm hạng I; 6 trung tâm hạng II; 23 trung tâm hạng III) và 2.656 cửa hàng tiện ích. Hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại của thành phố tiếp tục được các đơn vị doanh nghiệp đầu tư mở rộng không ngừng, đặc biệt là các trung tâm logistic lớn của các tập đoàn đa quốc gia đã và đang được đầu tư để hướng đến hình thành trung tâm phân phối hàng hóa lớn cho cả vùng Đông Nam Bộ và khu vực các tỉnh lân cận.

Gia Cư - Băng Tâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam