“Sức khỏe tài chính” của Sabeco: Nợ giảm, lợi nhuận tăng cao

21:13 | 05/08/2022 Print
(TBTCO) - Nửa đầu năm 2022, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã cổ phiếu SAB) ghi nhận tăng trưởng cao về doanh thu, lợi nhuận. Đồng thời các chỉ tiêu tài chính cơ bản như tỷ lệ nợ, chuyển động dòng tiền… đều cho thấy diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn.

Hoạt động kinh doanh của Sabeco tăng trưởng mạnh

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Sabeco, công ty ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý II/2022 đạt 9.008 tỷ đồng, tăng trưởng 24,7% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu thuần lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 16.315 tỷ đồng, tăng trưởng 79% so với 6 tháng đầu năm 2021.

“Sức khỏe tài chính” của Sabeco: Nợ giảm, lợi nhuận tăng cao
Sabeco cho biết sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi nhuận thông qua việc khởi động giai đoạn 2 của quá trình chuyển đổi. Ảnh: T.L

Về lợi nhuận, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý II/2022 đạt 1.793 tỷ đồng, tăng 67,4% so với quý II/2021; lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 3.029 tỷ đồng, tăng trưởng 47,3% so với nửa đầu năm ngoái.

Với lợi nhuận đạt được sau nửa đầu năm 2022, Sabeco đã hoàn thành khoảng hơn 66% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của năm 2022. Theo kế hoạch kinh doanh của Sabeco, công ty này đặt mục tiêu doanh thu 34.791 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.581 tỷ đồng vào năm 2022, lần lượt tăng trưởng 32% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ nợ thấp thể hiện sự an toàn tài chính

Vốn chủ sở hữu của Sabeco đầu năm 2022 là 22.595 tỷ đồng và đã tăng lên 24.468 tỷ đồng vào giữa năm (tăng khoảng 8,3%). Trong khi đó, nợ phải trả giảm từ 7.892 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống còn 6.873 tỷ đồng vào giữa năm (giảm gần 13%). Với diễn biến này, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đã giảm từ 0,35 lần xuống chỉ còn 0,28 lần, đây là một tỷ lệ nợ khá thấp so với nhiều doanh nghiệp khác.

Tín hiệu kinh doanh nửa đầu năm cho thấy các đường hướng kinh doanh mà doanh nghiệp này đặt ra cho năm 2022 đang bộc lộ hiệu quả. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, lãnh đạo Sabeco cho biết sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi nhuận thông qua việc khởi động giai đoạn 2 của quá trình chuyển đổi.

Giai đoạn này sẽ tập trung vào 6 trụ cột chính gồm bán hàng (sales), thương hiệu/tiếp thị (brand/marketing), sản xuất (production), chuỗi cung ứng (supply chain), con người (people) và mở khóa (unlock). Các hoạt động này được hỗ trợ bởi dự án Sabeco 4.0 và các sáng kiến quản trị.

Các sáng kiến chuyển đổi thuộc dự án Sabeco 4.0 là một sáng kiến chiến lược của doanh nghiệp này, nhằm chuyển đổi mô hình kinh doanh thông qua công nghệ kỹ thuật số. Chính thức khởi động vào năm 2020, SABECO 4.0 cho phép doanh nghiệp cải thiện cách thức làm việc thông qua việc tối ưu hóa, chuẩn hóa và tự động hóa các quy trình, bắt đầu từ chuỗi cung ứng, vận hành kho bãi, bán hàng và hệ thống kinh doanh thông minh.

“Sức khỏe tài chính” của Sabeco: Nợ giảm, lợi nhuận tăng cao
Sabeco vừa tập trung mở rộng hoạt động kinh doanh, vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội, góp sức xây dựng đất nước và thúc đẩy các hoạt động phát triển bền vững.

Ngoài ra trong mục tiêu năm 2022, Sabeco cũng tập trung vào việc mở rộng thị trường cả trong nước và quốc tế; bên cạnh đó, sẽ tiếp tục xây dựng vững chắc danh mục sản phẩm đáp ứng xu hướng tiêu dùng, đồng thời tái cấu trúc hệ thống phân phối và hoàn thiện quy trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Các chỉ số tài chính “ghi dấu” chiều hướng an toàn, bền vững

Ngoài các con số doanh thu và lợi nhuận thể hiện sự tăng trưởng khá tốt trong nửa đầu năm 2022, các chỉ tiêu tài chính của Sabeco cũng cho thấy sự thay đổi theo hướng bền vững hơn.

Từ đầu năm 2022, vốn chủ sở hữu của Sabeco tăng lên, trong khi nợ phải trả giảm và sự biến động này đưa chỉ tiêu nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty thay đổi theo hướng an toàn, tích cực hơn.

Cụ thể, vốn chủ sở hữu của Sabeco đầu năm 2022 là 22.595 tỷ đồng và đã tăng lên 24.468 tỷ đồng vào giữa năm (tăng khoảng 8,3%). Trong khi đó, nợ phải trả giảm từ 7.892 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống còn 6.873 tỷ đồng vào giữa năm (giảm gần 13%). Với diễn biến này, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đã giảm từ 0,35 lần xuống chỉ còn 0,28 lần, đây là một tỷ lệ nợ khá thấp so với nhiều doanh nghiệp khác, đảm bảo sự an toàn tài chính cao của công ty.

Việc quản trị nợ của Sabeco trong nửa đầu năm 2022 được thể hiện qua việc giảm bớt một số khoản phải trả ngắn hạn. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn giảm từ 2.400 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống còn 1.731 tỷ đồng vào giữa năm (giảm gần 28%), phải trả ngắn hạn khác giảm từ 2.228 tỷ đồng xuống còn 976 tỷ đồng (giảm hơn 56%)…

Trong bối cảnh kiểm soát tốt hơn các khoản phải trả, nhưng doanh nghiệp ngành bia này vẫn giữ được ổn định dòng tiền trong kinh doanh. Lưu chuyển tiền thuần trong hoạt động kinh doanh của Sabeco đạt mức dương tới 2.210 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022.

Dòng tiền dồi dào chính là yếu tố thuận lợi để Sabeco chi trả quyền lợi cho cổ đông công ty, trong nửa đầu năm 2022, số tiền công ty này chi ra để trả cổ tức cho cổ đông lên tới 2.322 tỷ đồng.

Mặc dù đã trả cổ tức với số tiền khá lớn, công ty cũng vẫn còn dư lượng tiền lớn để gửi ở dạng các khoản tiền gửi có kỳ hạn. Tại thời điểm giữa năm 2022, số dư đầu tư tài chính ngắn hạn là 18.210 tỷ đồng, trong đó toàn bộ số tiền này là các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng. Đây cũng là một nguồn tiền khá quan trọng cho doanh nghiệp để chuẩn bị cho các hoạt động đầu tư trong tương lai, cũng như dự phòng cho các nhu cầu kinh doanh giai đoạn tới.

Đã hoàn thành 66% kế hoạch lợi nhuận năm 2022

Với lợi nhuận đạt được sau nửa đầu năm (đạt 3.029 tỷ đồng), Sabeco đã hoàn thành khoảng hơn 66% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của năm 2022. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2022, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu 34.791 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.581 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 32% và 17% so với năm 2021.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam