Thanh toán không dùng tiền mặt tại kho bạc: Quy trình đơn giản, thuận tiện trong giao dịch

06:15 | 08/08/2022 Print
(TBTCO) - Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Góp phần thực hiện thành công đề án của Chính phủ, ngày 29/4/2022, Kho bạc Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1935/QĐ-KBNN phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn hệ thống đến năm 2025 với những giải pháp thiết thực nhằm hướng tới mục tiêu đến cuối năm 2025, không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và tiếp tục giảm các giao dịch thu bằng tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước.

Cả hệ thống kho bạc tích cực vào cuộc

Trong nhiều năm trở lại đây, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong phối hợp, kết nối trao đổi dữ liệu thu, chi qua môi trường mạng (dịch vụ công trực tuyến và các kênh thanh toán điện tử) góp phần giảm thủ tục hành chính và thời gian đi lại của các đơn vị sử dụng ngân sách khi phát sinh giao dịch bằng tiền mặt.

Các giải pháp này đã đưa đến kết quả là số thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) bằng tiền mặt qua KBNN luôn chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong tổng thu, chi NSNN qua KBNN và có xu hướng giảm dần qua các năm. Theo đó, đến hết năm 2021, tỷ lệ thu, chi NSNN bằng tiền mặt so với tổng thu, chi NSNN qua KBNN lần lượt là 0,33% và 0,57%. Đồng nghĩa với đó là việc tăng dần tỷ trọng thu, chi NSNN qua KBNN bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).

Khuyến khích người dân ứng dụng thanh toán trực tuyến theo ủy quyền của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Khuyến khích người dân ứng dụng thanh toán trực tuyến theo ủy quyền của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Thành công này phải kể đến sự quyết tâm, vào cuộc của các đơn vị KBNN. Đơn cử như KBNN Thừa Thiên - Huế, từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã phối hợp với cục thuế, hải quan ký kết phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN với các ngân hàng thương mại (NHTM). Tính đến ngày 15/2/2022, KBNN Thừa Thiên - Huế đã mở 24 tài khoản chuyên thu và 10 tài khoản thanh toán tại các NHTM đã giúp cho tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào NSNN được dễ dàng, thuận lợi, nhanh chóng và giảm thiểu số thu NSNN bằng tiền mặt tại KBNN.

Trong công tác kiểm soát chi, KBNN Thừa Thiên - Huế đã từng bước chuyển hẳn chi NSNN bằng tiền mặt sang các NHTM nơi KBNN mở tài khoản thanh toán. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với các NHTM khảo sát tình hình cung ứng dịch vụ của các NHTM tại từng địa bàn, hướng dẫn mở rộng địa bàn bắt buộc chi thanh toán cá nhân qua tài khoản cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đến nay, số lượng đơn vị đã thực hiện thanh toán thu nhập cá nhân qua thẻ ATM là 1.262 đơn vị, chiếm tỷ lệ 86% trong tổng số các đơn vị giao dịch trên địa bàn (1.321 đơn vị).

Tại KBNN Đắk Lắk, cũng nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong TTKDTM mà lượng tiền mặt giao dịch trực tiếp tại đơn vị đã giảm rõ rệt qua các năm. Theo báo cáo từ KBNN Đắk Lắk, riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu bằng tiền mặt trên địa bàn là 4.214 tỷ đồng, trong đó thu qua NHTM trên 4.021 tỷ đồng, chiếm 95,4%. Về chi NSNN, 6 tháng đầu năm, tỷ lệ chi NSNN bằng tiền mặt trên địa bàn là 2.060 tỷ đồng, trong đó chi qua NHTM 1.900 tỷ đồng, chiếm 92,2%.

Tiếp tục mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân quỹ

Có thể thấy nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, việc TTKDTM tại KBNN đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt tại KBNN vẫn chưa giảm được triệt để. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, mặc dù có thể thực hiện nộp ngân sách bằng các hình thức TTKDTM hoặc nộp tiền mặt tại NHTM nhưng người nộp ngân sách vẫn lựa chọn đến KBNN để nộp tiền, do đó, KBNN vẫn phải thực hiện việc thu này theo đúng quy định.

Để phát huy những kết quả đã đạt được và để thực hiện mục tiêu của KBNN là đến cuối năm 2025, không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và tiếp tục giảm các giao dịch thu bằng tiền mặt tại KBNN, đặc biệt từ thực tế triển khai tại địa phương, các đơn vị KBNN đã đề xuất giải pháp để việc TTKDTM ngày càng tốt hơn, tiến tới không còn thu, chi tiền mặt tại trụ sở các đơn vị KBNN nữa.

Theo đó, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền để người dân bỏ thói quen giao dịch bằng tiền mặt, các hệ thống NHTM nên tiếp tục mở rộng mạng lưới bố trí cây ATM tại những nơi thuận tiện nhất để người dân dễ dàng nộp, rút tiền mặt, tránh tiêu tốn chi phí và thời gian đi lại, phục vụ kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị thụ hưởng NSNN, người dân và doanh nghiệp.

Về phía KBNN, tiếp tục hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng của KBNN với các cơ quan thuế, hải quan, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (IPBS) và hệ thống thanh toán của các NHTM.

Kho bạc 3 không là xu thế tất yếu

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với thành tựu, kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới thì việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu cần đạt được để KBNN trở thành Kho bạc 3 không “Không giao dịch bằng tiền mặt, không khách hàng giao dịch trực tiếp và không chứng từ giấy”.

Triển khai mở rộng phạm vi kết nối liên thông giữa các hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống kiểm soát thanh toán vốn đầu tư qua KBNN (ĐTKB-GD), hệ thống quản lý thông tin ngân sách và kho bạc (Tabmis), hệ thống thanh toán của KBNN với hệ thống thanh toán điện tử của các ngân hàng, đảm bảo các hệ thống vận hành thông suốt, tiến đến thanh toán online theo lộ trình thanh toán online của hệ thống ngân hàng.

Hoàn thiện các hệ thống thanh toán của KBNN phù hợp với lộ trình xây dựng mô hình thanh toán tập trung của KBNN theo nguyên tắc tại mỗi hệ thống ngân hàng, KBNN chỉ có duy nhất một tài khoản và cuối ngày, toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước được tập trung về tài khoản của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, nâng cấp chương trình thanh toán song phương điện tử bổ sung nghiệp vụ thanh toán điện tử liên ngân hàng theo mô hình tập trung.

Đặc biệt, các đơn vị KBNN đề nghị giải pháp đẩy mạnh thu, chi qua KBNN bằng các hình thức TTKDTM. Cụ thể, về thu qua KBNN, cần tiếp tục mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân quỹ nhà nước của KBNN tại các hệ thống NHTM; phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các NHTM triển khai thu NSNN theo mã định danh khoản thu để giảm thiểu việc truyền nhận thông tin giữa các cơ quan, tạo điều kiện đẩy mạnh các hình thức thu hiện đại như thu qua QR-Code, mobile-money, ví điện tử, mobile-banking…

Về chi qua KBNN, định kỳ hàng năm, KBNN tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các NHTM khảo sát việc cung ứng dịch vụ chi thanh toán cho cá nhân qua tài khoản, đặc biệt là địa điểm đặt máy ATM của các hệ thống NHTM tại từng địa bàn phục vụ cho việc bắt buộc chi thanh toán cho cá nhân qua tài khoản cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, triển khai trên diện rộng việc KBNN kiểm soát và chủ động thanh toán đối với các khoản chi mua sắm hàng hóa, dịch vụ sử dụng trước, thanh toán sau (điện, nước, viễn thông…) theo ủy quyền của các đơn vị sử dụng NSNN.

Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh không còn phát sinh thu, chi ngân sách bằng tiền mặt tại trụ sở

Theo Kho bạc Nhà nước (KBNN) TP. Hồ Chí Minh, đến nay đơn vị đã phối hợp thu với 12 hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), mở 24 tài khoản thanh toán, 143 tài khoản chuyên thu và ủy nhiệm toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua hệ thống NHTM phối hợp thu và thanh toán song phương điện tử.

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc KBNN TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc phối hợp chặt chẽ với hệ thống NHTM đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng, hiện đại của ngân hàng trong thu nộp NSNN. Đơn vị sử dụng ngân sách có thể nộp NSNN 24/7 qua mobile banking, internet banking, ATM, POS (máy chấp nhận thẻ)…

Để đạt được kết quả trên, ông Hải cho biết, từ ngày 1/4/2022, KBNN. TP Hồ Chí Minh thí điểm ủy nhiệm thu qua NHTM. Sau 2 tháng thí điểm, đến ngày 1/6/2020, các đơn vị KBNN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh không còn phát sinh thu, chi bằng tiền mặt tại trụ sở.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam