Xây dựng kế hoạch dự toán NSNN năm 2023: Lường trước những khó khăn, thách thức để ứng phó kịp thời

06:00 | 08/08/2022 Print
(TBTCO) - Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Văn Hiến - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính-Marketing cho rằng, những mục tiêu về thu ngân sách 2023 mà Chính phủ đề ra trong Chỉ thị số 12/CT-TTg mới đây là khá khiêm tốn. Tuy nhiên, không vì thế mà lơ là, chủ quan, ngược lại phải tích cực, chủ động để đạt được mục tiêu đã đề ra và có thể đạt những kết quả cao hơn.

PV: Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 (Chỉ thị số 12) về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Ông có bình luận gì về việc ban hành chỉ thị này của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay?

Xây dựng kế hoạch dự toán NSNN năm 2023: Lường trước những khó khăn, thách thức để ứng phó kịp thời
TS. Nguyễn Văn Hiến

TS. Nguyễn Văn Hiến: Việc Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 theo tôi đánh giá là rất kịp thời và cần thiết, bởi vì chúng ta đã chuyển sang quý III/2022 rồi nên việc xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 gắn liền với việc thực hiện các mục tiêu chung của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của các kế hoạch 5 năm, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển KTXH 10 năm giai đoạn 2021-2030.

PV: Về dự toán thu ngân sách nhà nước, Chỉ thị số 12/CT-TTg đề ra mục tiêu phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2023 bình quân cả nước tăng khoảng 7-9%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2022. Ông nghĩ sao về dự toán thu ngân sách 2023 này cũng như tính khả thi của dự toán thu?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Tôi cho rằng, đây là một mục tiêu khá khiêm tốn so với những năm trước đại dịch. Năm 2018, 2019, tỷ lệ tăng thu ngân sách nội địa luôn tăng trưởng trên 10%, nhưng giai đoạn này Chính phủ chỉ đưa ra mức 7 - 9%. Tương tự, dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, mục tiêu tăng bình quân 4 - 6% so với năm 2022 cũng là một mức khá khiêm tốn, bởi vì, những giai đoạn trước, mức tăng thu từ hoạt động này cao hơn nhiều. Điều này chứng tỏ Chính phủ đã lường trước được những khó khăn mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt, mà do tác động trễ của những yếu tố địa chính trị từ bên ngoài, cũng như lường trước được những khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Cụ thể, khi thị trường xuất khẩu của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nhiều do tình hình kinh tế thế giới suy thoái và lạm phát tương đối cao ở khá nhiều nền kinh tế lớn, mà đó cũng là thị trường mục tiêu, trọng điểm của hàng xuất khẩu của Việt Nam; những khó khăn của tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn và đang có dấu hiệu bùng phát trở lại...

Đồ họa: Thế Dương
Đồ họa: Thế Dương

Tuy các mục tiêu dự toán thu ngân sách năm 2023 được Chính phủ đưa ra là khiêm tốn, nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan là chắc chắn có thể thực hiện được. Để thực hiện mục tiêu, đòi hòi các cấp, các ngành, địa phương, kể các doanh nghiệp phải có sự chủ động phân tích, dự báo, nhìn nhận những khó khăn, lường trước được những vấn đề xảy ra để có biện pháp giải quyết, ứng phó kịp thời.

PV: Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu kinh tế, ông có khuyến nghị chính sách gì cho việc xây dựng kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Với các mục tiêu đề ra trong năm 2023 cũng như những năm còn lại của kế hoạch 5 năm 2021-2025, thì Chính phủ cũng cần phải đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển KTXH. Đặc biệt, trong năm 2023, chính sách cần tập trung nhất là phục hồi kinh tế thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ.

Chính sách tài khóa theo đánh giá, mặc dù có áp lực lạm phát nhưng lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với mức trần lạm phát. Theo sự khuyến cáo chung của WB thì Việt Nam vẫn có thể áp dụng mở rộng tài khóa và tiền tệ một cách có kiểm soát để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là các biện pháp kinh tế vĩ mô hỗ trợ cho phát triển kinh tế.

Lường trước được các khó khăn

Năm 2018, 2019, tỷ lệ tăng thu ngân sách nội địa luôn tăng trưởng trên 10%, nhưng giai đoạn này Chính phủ chỉ đưa ra mức 7 - 9%. Tương tự, dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, mục tiêu tăng bình quân 4 - 6% so với năm 2022 cũng là một mức khá khiêm tốn, bởi vì, những giai đoạn trước, mức tăng thu từ hoạt động này cao hơn nhiều. Điều này chứng tỏ Chính phủ đã lường trước được những khó khăn mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt, mà do tác động trễ của những yếu tố địa chính trị từ bên ngoài, cũng như lường trước được những khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2023.

Đồng thời, chúng ta cũng phải có những chính sách mạnh mẽ để kích cầu để cho nền kinh tế phục hồi nhanh hơn nữa, nhất là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như dịch vụ. Ngoài ra, cũng cần phải có những chính sách để khơi thông thị trường, tức là cải cách các thủ tục hành chính, áp dụng đồng bộ các chính sách khơi thông thị trường để hàng hóa lưu thông một cách thông thoáng, cung - cầu thị trường gặp nhau, trong đó đáng kể nhất là lĩnh vực bất động sản. Điều này sẽ hỗ trợ cho phục hồi kinh tế được tốt hơn.

Tiếp đó, cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách, biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 và cả một số loại dịch bệnh mới như đậu mùa khỉ để có sự chủ động đối phó, nếu để dịch bệnh bùng phát trở lại thì sẽ rất khó khăn để thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Ngoài ra, áp dụng biện pháp tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển, kể cả huy động vốn trong nước và quốc tế...

Tổng hợp các biện pháp như vậy sẽ hỗ trợ cho việc đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 cũng như các năm tiếp theo.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đánh giá kỹ kết quả thực hiện năm 2022 là cần thiết

Bình luận về những định hướng xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, TS. Nguyễn Văn Hiến cho rằng, trong Chỉ thị 12, có mấy điểm đáng chú ý. Thứ nhất, việc Chính phủ có yêu cầu các bộ ngành địa phương phải đánh giá rất kỹ kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH của năm 2022 là một việc rất cần thiết. Bởi vì, việc đánh giá kỹ kết quả sẽ thấy rõ những thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối phó để từ đó lường hết được vấn đề khó khăn của năm 2022 có thể vẫn còn tiếp tục diễn biến trong năm 2023, cũng như bài học kinh nghiệm mà Việt Nam đã ứng phó trong năm 2022.

Tiếp đó, đối với việc xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, Chính phủ cũng yêu cầu phải có dự báo, đánh giá, phân tích một cách kỹ lưỡng tình hình quốc tế cũng như trong nước sẽ tác động đến thực hiện nhiệm vụ KTXH năm 2023. Bởi vì, theo đánh giá, phân tích chung, diễn biến tình hình địa chính trị trên thế giới sẽ còn rất phức tạp, đồng thời tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng như một số loại dịch bệnh khác cũng đang có các dấu hiệu khó lường và có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH quốc gia. Đánh giá, dự báo kỹ tình hình quốc tế cũng như những khía cạnh trong nước mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2022 để từ đó có thể lường được đầy đủ sự tác động của yếu tố bên ngoài cũng như bên trong đối với việc thực hiện các nhiệm vụ KTXH năm 2023 sẽ đảm bảo thực hiện được thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.

Về các mục tiêu định hướng phát triển năm 2023 thì trong Chỉ thị 12, Chính phủ đã nêu rất rõ năm 2023 là năm bản lề để tiến tới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của những năm còn lại của kế hoạch 5 năm 2021-2025 nên các bộ, ngành địa phương phải rà soát lại mục tiêu chung của cả giai đoạn để xem năm 2023 có những mục tiêu nào, chỉ tiêu nào còn yếu kém, chưa thực hiện được thì phải đẩy nhanh ưu tiên đầu tư nguồn lực để có thể thực hiện được mục tiêu chung của cả giai đoạn 2021-2025. “Có thể nói, đây là một chỉ thị rất cần thiết để chúng ta có thể thực hiện được thành công cả kế hoạch 5 năm chứ không phải của riêng năm 2023”- TS. Nguyễn Văn Hiến nhấn mạnh.

Thảo Miên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam