“Hút” vốn FDI vào kinh tế xanh: Cần có khung pháp lý hoàn chỉnh và hành lang thông thoáng

07:27 | 09/08/2022 Print
(TBTCO) - Trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN, ông Trần Thanh Quyết - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam (ICHAM) cho biết, để “hút” vốn FDI vào kinh tế xanh, điều quan trọng nhất là Việt Nam cần có một khung pháp lý hoàn chỉnh, mang tính bao quát và đủ cụ thể cùng hành lang thông thoáng để đảm bảo việc thực hiện.

PV: Ông đánh giá thế nào về triển vọng phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam cũng như phản ứng, sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp (DN) với xu hướng này so với các lĩnh vực khác?

Ông Trần Thanh Quyết: Phát triển kinh tế xanh đã trở thành một xu hướng ngày càng rõ nét trên toàn cầu, tuy nhiên tùy vào quy mô, mức độ phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia mà tốc độ chuyển đổi hướng tới kinh tế xanh có rất nhiều khác biệt. Đối với Việt Nam, các điều kiện, nền tảng căn bản để hướng tới kinh tế xanh đã khá rõ ràng, tuy nhiên chúng ta mới chỉ ở trong giai đoạn đầu của một chặng đường dài còn ở phía trước.

“Hút” vốn FDI vào kinh tế xanh: Cần có khung pháp lý hoàn chỉnh và hành lang thông thoáng
Ông Trần Thanh Quyết

Ở một số thị trường phát triển các hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa còn kèm cả các điều kiện về chứng chỉ xanh liên quan đến dây chuyền hay công nghệ sản xuất. Đối với các DN Việt Nam hoặc DN FDI muốn hướng tới các thị trường này, việc chuyển đổi sản xuất để đáp ứng được các yêu cầu này là cần thiết và sẽ là một điều kiện vô cùng thuận lợi đối với cộng đồng DN khi có sự quan tâm đến phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam thông qua cam kết của Chính phủ. Những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 trong việc cắt giảm khí thải và hướng tới nền kinh tế không phát thải vào năm 2050 thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững.

Cộng đồng DN cũng đã cảm nhận được sức nóng của quyết tâm chính trị trong vấn đề này. Lẽ dĩ nhiên, chúng tôi sẽ trông đợi nhiều vào các hành động sớm và cụ thể từ phía Chính phủ, các bộ, ban, ngành và các địa phương để cụ thể hóa các cam kết bằng cách chỉnh sách, quy định khuyến khích, ưu đãi các DN phát triển kinh tế xanh.

Nông nghiệp sạch, nền tảng để phát triển kinh tế xanh.
Nông nghiệp sạch, nền tảng để phát triển kinh tế xanh.

PV: Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội thu hút vốn FDI của Việt Nam vào phát triển kinh tế xanh? Cơ hội để thu hút FDI của Ý trong lĩnh vực này là thế nào, thưa ông?

Ông Trần Thanh Quyết: Cùng với những quyết tâm mạnh mẽ từ phía Chính phủ, các bộ, ban, ngành và các địa phương trong việc hướng tới kinh tế xanh, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rõ rệt trong thu hút nguồn vốn FDI, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, ít tác động tới môi trường từ các quốc gia phát triển. Thực tế các nhà đầu tư từ các quốc gia phát triển ngày càng quan tâm đến những vấn đề về môi trường, bền vững trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư, ngoài đặc thù về quy mô thị trường lớn, tiềm năng vốn là lợi thế của Việt Nam.

Ý là một trong những quốc gia đi đầu châu Âu trong hướng tới nền kinh tế xanh thông qua việc triển khai mạnh mẽ nền kinh tế tuần hoàn và với một cộng đồng DN có nền tảng tốt về mặt công nghệ xanh, thực hành xanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Không chỉ các DN lớn với công nghệ hàng đầu của Ý đang quan tâm đến thị trường Việt Nam mà cả các DN nhỏ với công nghệ phù hợp với quy mô của của phần lớn DN và thị trường Việt Nam cũng đang đánh giá các cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam. Trong thời gian qua, ICHAM đã tiến hành nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu về tiềm năng của kinh tế xanh tại Việt Nam tại Ý nhằm thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư tiềm năng từ Ý trong lĩnh vực này đến Việt Nam.

Cụ thể, ngay sau khi dỡ bỏ quy định về phòng ngừa đại dịch Covid-19, đại diện ICHAM đã có chuyến công tác giới thiệu về các cơ hội đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam tại 6/20 vùng của Ý. Đây đều là các vùng đầu tàu của kinh tế Ý và là nơi có cộng đồng DN mạnh mẽ, đông đảo nhất, trong đó có nhiều DN đi đầu trong phát triển công nghệ xanh. Trong các buổi làm việc với chính quyền địa phương, hiệp hội ngành nghề và DN, đại diện ICHAM đã nhấn mạnh về tiềm năng của phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam và các cơ hội dành cho các DN Ý tại thị trường này. Ngay sau chuyến công tác ICHAM cũng đã tổ chức một webinar chuyên sâu về chủ đề “Kinh tế xanh tại Việt Nam: Cơ hội dành cho các DN Ý”.

Thông qua những sự kiện trên, các DN Ý đã bày tỏ sự quan tâm tới lĩnh vực phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam.

Hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết tại COP26

Vào tháng 11 tới đây, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam sẽ tổ chức “Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh - Green Economy Forum & Exhibition (GEFE) 2022” tại Việt Nam. Sự kiện tổ chức nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết tại COP26 và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được nêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Đây là nền tảng tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng xanh, bền vững thông qua các sáng kiến, chia sẻ chuyên môn và chuyển giao công nghệ.

PV: Vậy theo ông, để thu hút được nguồn FDI có chất lượng đầu tư vào phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam, điều quan trọng mà Việt Nam cần làm là gì?

Ông Trần Thanh Quyết: Như đã nói ở trên, cộng đồng DN cũng đã cảm nhận được sức nóng của quyết tâm chính trị trong vấn đề này, nhưng điều quan trọng nhất là chuyển hóa từ cam kết thành hành động cụ thể thông qua một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, thể chế hóa chủ trương phát triển kinh tế xanh của Việt Nam. Cần một khung pháp lý hoàn chỉnh, mang tính bao quát nhưng cũng đủ cụ thể để đảm bảo việc thực hiện mục tiêu kinh tế xanh thông qua việc chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến. Bên cạnh đó, cần có một hành lang thông thoáng với chính sách ưu đãi, khuyến khích DN phát triển kinh tế xanh và cần phải có sự thông suốt về chủ trương từ trung ương đến các địa phương và giữa các bộ ban ngành trong các lĩnh vực liên quan.

Việt Nam cũng cần tăng cường tìm hiểu, học hỏi từ chính các quốc gia có nền kinh tế xanh phát triển, để có thể tập trung nguồn lực và rút ngắn quá trình xây dựng một nền tảng hạ tầng cần thiết để phát triển kinh tế xanh, từ đó cộng đồng DN có thể nhanh chóng nắm bắt các cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh từ chính các lợi thế của việc đầu tư công nghệ, quy trình sản xuất xanh, đóng góp vào sự phát triển bền vững của DN và cả nền kinh tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Triển vọng tăng trưởng xanh của Việt Nam thu hút các nhà đầu tư châu Âu

Những điều kiện thuận lợi cũng như cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP26 cùng các hành động thực hiện cam kết này đang triển khai sâu rộng được cho là yếu tố thu hút sự quan tâm của các DN đối với việc phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam Alain Cany, tăng trưởng xanh là con đường của tương lai, không chỉ sẽ giúp xây dựng nền tảng thịnh vượng cho nền kinh tế và con người Việt Nam, mà còn hỗ trợ quá trình chuyển đổi đất nước thành một trong những thị trường mạnh nhất thế giới. Các cam kết tại COP26 của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Chính phủ cho thấy Việt Nam đang nghiêm túc thực hiện những thay đổi cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh.

“Kết quả khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh quý II/2022 của EuroCham Việt Nam cho thấy, 79% lãnh đạo các DN đánh giá tiềm năng phát triển xanh của Việt Nam đã được cải thiện ngay từ quý I/2022. Về mối liên hệ giữa tăng trưởng xanh và FDI, gần 90% số người được hỏi cho rằng Việt Nam nên tăng cường phát triển lĩnh vực xanh để thu hút thêm vốn FDI. Do đó, bất chấp những bất ổn trong kinh tế toàn cầu, đây là thời điểm vô cùng thú vị và đầy hứa hẹn để kinh doanh tại Việt Nam”- ông Alain Cany nhấn mạnh.

Hà My (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam