Bộ Tài chính:

Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế tài chính

16:55 | 08/08/2022 Print
(TBTCO) - Bộ Tài chính vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCSĐ về đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính trong tình hình mới. Việc ban hành chỉ thị về công tác xây dựng thể chế cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đối với công tác xây dựng pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng pháp luật

Chỉ thị nêu rõ, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế tài chính
Cơ quan thuế triển khai hóa đơn điện tử hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: TL.

Để đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho ngành Tài chính, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính yêu cầu cấp ủy, tập thể lãnh đạo các đơn vị khẩn trương nâng cao nhận thức về vị trí, vài trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính.

Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy trong xây dựng thể chế

Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính yêu cầu việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính phải thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng và bám sát thực tiễn; đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy trong xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật để đề xuất được những định hướng chính sách lớn, then chốt.

Đồng thời, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu của thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo khi đề xuất, xây dựng và hoàn thiện thể chế; đối với các dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quan trọng, phức tạp, nhạy cảm cần kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng.

Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật phải chắc chắn, làm tốt từng khâu, ưu tiên cao nhất cho chất lượng nhưng phải đảm bảo yêu cầu về thời hạn xây dựng; tăng cường khâu rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong văn bản quy phạm pháp luật…

Mọi chính sách tài chính hướng đến người dân, doanh nghiệp

Tại Chỉ thị này, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính quán triệt tinh thần đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính phải đặt trong tổng thể của cả hệ thống pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, với chi phí tuân thủ thấp, phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính yêu cầu việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính phải thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng và bám sát thực tiễn; đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy trong xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật để đề xuất được những định hướng chính sách lớn, then chốt.

Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế tài chính
Mọi chính sách tài chính hướng tới hỗ trợ nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: TL.

Ngành Tài chính chủ động rà soát các chính sách pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý để đề xuất nội dung hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính; kịp thời giải quyết các vướng mắc về chính sách pháp luật tài chính trên tinh thần xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong rà soát, xây dựng thể chế.

Mọi chính sách, pháp luật tài chính phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, để người dân và doanh nghiệp phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá tình hình yêu cầu thực tiễn, cơ sở luận cứ khoa học nhằm đề xuất hướng đổi mới, cải cách về thể chế, phân tích, lượng hóa các tác động của chính sách đối với nền kinh tế căn cứ vào các dữ liệu về kinh tế được cập nhật thường xuyên để đánh giá hiệu quả của chính sách khách quan nhất, toàn diện nhất.

Đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính; chú trọng lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân nhưng việc tiếp thu phải có chọn lọc các ý kiến cũng như kinh nghiệm quốc tế phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam; đẩy mạnh phương thức Hội đồng tư vấn thẩm định để phát huy trí tuệ tập thể, huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị trong và ngoài Bộ có liên quan.

Tại chỉ thị, đã nêu rõ việc tổ chức thực hiện; điều kiện đảm bảo cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính; khen thưởng, kỷ luật và cách thức tổ chức thực hiện.

Theo đó, giao cấp ủy, tập thể lãnh đạo đơn vị có trách nhiệm thực hiện nghiêm các chỉ đạo tại Chỉ thị này; Thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong đơn vị và chịu trách nhiệm trước Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ về chất lượng, tiến độ trình các đề án thuộc lĩnh vực được giao phụ trách; trường hợp chậm, muộn hoặc không hoàn thành nhiệm vụ phải đánh giá rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và kiểm điểm trước Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ./.

Tập trung tuyên truyền chính sách pháp luật tài chính

Công tác tổ chức truyền thông các chính sách về tài chính – ngân sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thông tin cũng phải được chú trọng, tuyên truyền kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính mới ban hành để thực sự là cầu nối giữa Bộ Tài chính với bạn đọc trong lĩnh vực pháp luật.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam