Làm rõ số biên chế được giao trong dự toán chi thường xuyên năm 2023

18:19 | 08/08/2022 Print
(TBTCO) - Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2022/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2023-2025. Theo đó, Bộ đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước phải làm rõ số biến chế được giao trong dự toán chi thường xuyên.

Thông tư nêu rõ, chi hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể cần làm rõ: số biên chế được giao năm 2023 (nếu có), trường hợp chưa được giao biên chế thì tiếp tục thực hiện giảm biên chế đối với các trường hợp đến hết năm 2022 chưa thực hiện được mục tiêu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị hoặc theo biên chế năm 2022 đối với các trường hợp đã đạt mục tiêu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW, trong đó làm rõ số biên chế thực có mặt đến thời điểm 1/7/2022, số biên chế chưa tuyển theo chỉ tiêu biên chế năm 2023 nêu trên.

Siết kỷ luật chi tiêu, bội chi năm 2020 thấp hơn nhiều so với dự kiến
Xây dựng dự toán ngân sách năm 2023 phải tiết kiệm, hiệu quả. Ảnh: TL.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể cần xác định Quỹ lương ngạch bậc, các khoản phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo chế độ quy định theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng (tính đủ 12 tháng) do ngân sách nhà nước đảm bảo, gồm:

Thứ nhất, quỹ tiền lương theo chỉ tiêu biên chế được giao năm 2023 xác định như trên, bao gồm quỹ lương của số biên chế thực có mặt tính đến thời điểm 1/7/2022, được xác định trên cơ sở mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ.

Thứ hai, các khoản phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo chế độ và quỹ lương của số biên chế chưa tuyển (nhưng vẫn trong tổng mức biên chế được giao), tính trên cơ sở lương 1.490.000 đồng/tháng và hệ số lương lương bậc 1 của công chức loại A1, các khoản phụ cấp theo lương cùng các khoản đóng góp theo quy định.

Thứ ba, giảm quỹ tiền lương đối với các trường hợp phải tiếp tục tinh giản biên chế. Trường hợp các cơ quan, đơn vị có kế hoạch tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ hoặc tuyển dụng cán bộ, công chức, chuyên gia có kinh nghiệm có hệ số hiện hưởng cao hơn hệ số lương bậc của công chức loại A1 theo Đề án hoặc kế hoạch được phê duyệt thì xác định quỹ lương tăng thêm của các đối tượng theo quy định.

Các đơn vị phải thuyết minh cơ sở xây dựng dự toán các khoản chi đặc thù (cơ sở pháp lý, nội dung chi, mức chi, các nội dung liên quan khác) năm 2023 trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật theo quy định (trong đó xác định rõ kinh phí bảo đảm xây dựng, hoàn thiện pháp luật là kinh phí đầu tư cơ bản cho hạ tầng pháp lý theo Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 7/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020) và ưu tiên bố trí trong phạm vi dự toán được giao để đảm bảo thực hiện công tác này./.

Phải thuyết minh cơ sở xây dựng các khoản chi đặc thù

Các đơn vị phải thuyết minh cơ sở xây dựng dự toán các khoản chi đặc thù (cơ sở pháp lý, nội dung chi, mức chi, các nội dung liên quan khác) năm 2023 trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam